Trẻ em cần được giáo dục như thế nào để tránh bị xâm hại?

VOVGT - Gần đây, các vụ xâm hại trẻ em có hiện tượng gia tăng, gây nên một tâm trạng lo lắng trong nhiều gia đình có con nhỏ.

 

Mới đây, một phụ huynh tại Q. Thủ Đức, TPHCM đã gửi đơn thư phản ánh đến nhà trường, cơ quan công an và cả các cơ quan báo chí truyền thông về việc con gái mình bị xâm hại tình dục ngay tại trường học. Theo phản ánh của chị, chiều tối 14/2 khi đón con từ trường về nhà chị thấy con có có những biểu hiện bất thường. Sau đó, chị phát hiện, hiện vùng kín của con bị trầy xước bên trong, chảy nhiều máu. Trong một diễn biến mới nhất, đại diện Công an quận Thủ Đức thông tin rằng kết quả giám định ban đầu cho thấy hành vi giao cấu với cháu bé là không có. Tuy nhiên, theo Đại tá Lê Anh Tuấn, Trưởng Công an quận Thủ Đức, không giao cấu nhưng không có nghĩa là không có hành vi dâm ô. Công an quận Thủ Đức khẳng định không có chuyện bao che, bưng bít thông tin, mọi việc đang diễn ra theo tiến trình. Khi có kết quả cuối cùng cơ quan điều tra sẽ gửi văn bản thông báo công khai.

Quấy rối, lạm dụng tình dục nơi học đường có nhiều yếu tố đặc biệt và để lại hậu quả rất nặng nề

Thực tế, đây không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến hành vi xâm hại tình dục ngay tại các nhà trường, các cơ sở nuôi trẻ. Trước đó, dư luận không khỏi phẫn nộ trước sự việc: trong thời gian từ năm 2014 đến thời điểm bị phát hiện (tháng 3/2016), lợi dụng là nhân viên bảo vệ Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã La Pan Tẩn, đối tượng Đỗ Văn Nam đã dùng kẹo, bim bim... dụ dỗ một số học sinh của trường vào phòng bảo vệ để thực hiện hành vi dâm ô. Thực tế này cho thấy, trẻ em có thể gặp phải nguy cơ bị xâm hại tình dục ở bất cứ đâu, trên sân chơi, ở trường học hay thậm chí ở ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Là một chuyên gia cao cấp về quyền trẻ em, trao đổi với chương trình, Bà Nguyễn Lan Minh cho biết, thực tế, học sinh là đối tượng hay bị những kẻ xâm hại, quấy rối tình dục dễ dàng tiếp cận vì các em còn nhỏ, ít tuổi, ít kinh nghiệm lại không dám phản ứng, không dám bày tỏ. Quấy rối, lạm dụng tình dục nơi học đường có nhiều yếu tố đặc biệt và để lại hậu quả rất nặng nề vì các em đang ở lứa tuổi nhạy cảm. Đa số các em bị quấy rối, lạm dụng tình dục đều bị tổn thương về mặt tâm lý sâu sắc và nó sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của các em trong suốt cuộc đời.

Theo bà Minh, về phía gia đình, cha mẹ cần dạy con những kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại tình dục, như không được cho ai động chạm vào cơ thể mình, biết hét lên khi bị đối tượng đến gần có hành động xâm hại; và phải có kỹ năng kêu cứu, kỹ năng bỏ chạy, thông báo kịp thời với người lớn. Đặc biệt, trẻ cần biết những vùng an toàn trong cơ thể, mà những người làm chuyên môn, là “khu vực tam giác”, từ là khu vực quần lót. Cha mẹ phải dạy các em không được cho ai đụng chạm, xâm hại vào vùng an toàn đó.

Về phía nhà trường, bà Minh cho rằng phải thắt chặt các quy chế bảo vệ trẻ em trong trường học. Sau khi cha mẹ đưa con đến lớp, khuôn viên của nhà trường phải được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, người lạ không được vào. Các giáo viên phải tăng cường trách nhiệm bảo vệ trẻ trong giờ ngủ trưa, giờ ăn, giờ học. Thậm chí cả lúc đi vệ sinh, nếu nhà vệ sinh cách xa lớp học (là nơi vắng vẻ) thì các giáo viên cũng phải quan tâm, hướng dẫn các em. Quan trọng nhất là an ninh trong trường học phải được bảo vệ, không thể để ai cũng vào trường, vào lớp một cách tự do.

Những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được thống kê chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, là vấn đề gây nhiều bức xúc cho cộng đồng, xã hội. Vì vậy, bảo vệ và chăm sóc trẻ em không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội mà gia đình, nhà trường cần trang bị cho các em những kỹ năng sống cần thiết để tự bảo vệ bản thân, tránh khỏi những nguy cơ bị xâm hại.