Trần Văn Lai: Người để lại nhiều dấu ấn cho thành phố Hà Nội

VOVGT - Có khi nào bạn đi trên một con đường quen thuộc và sau đó tự hỏi rằng “tên đường, tên phố” mình đang đi qua có ý nghĩa gì và vì sao nó lại mang tên này?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Nhân sĩ Trần Văn Lai

Có rất nhiều con đường, tuyến phố ở Hà Nội đều được đặt tên hoặc đổi tên một cách có hệ thống, có ý nghĩa, bởi một vị bác sĩ, nhân sĩ yêu nước sống vào giữa thế kỉ XX – và cũng từng là Thị trưởng của Hà Nội – Thị trưởng Trần Văn Lai. Dù chỉ giữ chức thị trưởng trong thời gian rất ngắn,hơn một tháng, nhưng Thị trưởng Trần Văn Lai đã để lại nhiều dấu ấn cho thành phố Hà Nội đến ngày hôm nay. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, báo Hà Nội Mới sẽ lý giải nguồn gốc chức danh Thị trưởng cùng những thông tin sơ lược về nhân vật lịch sử - Thị trưởng Trần Văn Lai:

 

Mặc dù chỉ cầm quyền trong một tháng ngắn ngủi nhưng với tầm nhìn chiến lược của một nhân sĩ yêu nước, Thị trưởng Trần Văn Lai đã làm được hai công việc động trời, đó là dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ hành chính và thay đổi hầu hết các địa danh ở Hà Nội. Việc đầu tiên mà Thị trưởng Trần Văn Lai tiến hành ngay khi lên nắm quyền là cho giật đổ hầu hết những bức tượng mà thực dân Pháp đã dựng ở Hà Nội.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà năm nay đã gần 90 tuổi và hiện là Phó trưởng Ban thường trực Ban liên lạc Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trước Cách mạng tháng 8. Trong ký ức của mình ông Hà vẫn nhớ như in tình cảm mà người dân dành cho vị thị trưởng đặc biệt này: “Ông Trần Văn Lai trong thời kỳ kháng chiến bị tạm chiếm ở đây ấy thì chúng ta có liên hệ được với người này và trung lập hóa về sự chính nghĩa. Ông là một nhân sĩ, bác sĩ có một tinh thần yêu nước, rất tôn trọng cụ Hồ cho nên về sau này giải phóng thủ đô tiếp quản rồi ta cử ông làm chủ tịch của Hà Nội một thời gian mà ông đã thể hiện một tinh thần yêu nước. Phố xá ông có đổi tên, tượng đài nào không phù hợp thì ông bỏ như tượng đài của thực dân và những nhân vật thống trị ông bỏ."

 

Với những cống hiến của mình, Thị trưởng Trần Văn Lai đã để lại những dấu ấn trong lịch sử Hà Nội thế kỉ XX. Tháng 12 năm 2011, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định đặt tên Trần Văn Lai cho một con phố ở xã Mễ Trì huyện Từ Liêm để tri ân công lao đóng góp của ông với thủ đô Hà Nội.

Con phố mang tên Trần Văn Lai

Thời gian vừa qua, chị Khánh Hồng - Trường phòng giáo dục truyền thông của Ban quản lý khu di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu và sưu tầm tài liệu về người Thị trưởng đáng quý này, đặc biệt quãng thời gian thị trưởng Trần Văn Lai bị giam tại nhà tù Hỏa Lò.

Chị Hồng cho biết : "Tôi thì rất thích nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Hà Nội bởi vì tôi được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Thế nên là những nhân vật nào mà liên quan đến Hà Nội, gắn bó với Hà Nội thì tôi rất muốn tìm hiểu. Đặc biệt khi tôi đọc những bài tiểu sử, những bài viết về cụ Trần Văn Lai thì tôi được biết thêm một điều là cụ Trần Văn Lai lại là một tù chính trị bị Pháp giam tại Hỏa Lò những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Chính vì những lý do đó đã khiến tôi càng có mong muốn tìm hiểu kỹ hơn về cụ và sau khi đọc các tài liệu tôi đã viết một bài viết nho nhỏ đăng trên webside của đơn vị nhưng tôi chỉ tập trung vào thời kỳ cụ bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò."

 

Dưới đây là một vài tư liệu quý về thị trưởng Trần Văn Lai trong thời gian ông bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò do chị Nguyễn Thị Khánh Hồng- Trường phòng giáo dục truyền thông của Ban quản lý khu di tích Nhà tù Hỏa Lò cung cấp :

Ngày 27/10/1943, bác sĩ Trần Văn Lai bị thực dân Pháp bắt, đưa lên Nhà tù Sơn La cùng bị giam với nhà văn Hoàng Công Khanh, sau chúng chuyển ông về Nhà tù Hỏa Lò. Đầu năm 1945, Trần Văn Lai được trả tự do và ngày 20/7/1945, ông được mời ra làm Đốc lý Hà Nội. Chỉ trong vòng 1 tháng từ ngày 20/7 đến ngày 19/8/1945 giữ chức Thị trưởng nhưng ông đã đặt dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Hà Nội khi đặt tên cho nhiều con phố, vườn hoa ở Hà Nội.

Lần thứ hai, ông bị thực dân Pháp bắt giam tại Hỏa Lò là vào ngày 22/12/1946 ngay sau khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, chúng đưa ra lý do bắt ông đó là “đảm bảo an toàn cho các nhân sĩ, trí thức”. Cùng bị tạm giam tại Hỏa Lò lúc này với bác sỹ Trần Văn Lai còn có: Cụ Phạm Khắc Hòe, Kĩ sư Đào Trọng Kim, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Luật sư Vũ Văn Hiền và Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, họ đã thành “một mâm” đủ 6 người trong Nhà tù Hỏa Lò. Hàng ngày, ngoài hai bữa cơm muối, các nhân sĩ, trí thức đã cùng thảo luận những vấn đề thời sự, mà trọng tâm là hai nội dung: Một là: Ai đánh trước? ta hay Tây (Thực dân Pháp)? Hai là: Cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt mau hay lâu và chấm dứt như thế nào?

Chiều ngày 02 tháng Giêng năm 1947, tên sếp ngục Hỏa Lò - Pơti thông báo cho các nhân sĩ biết rằng: sáng ngày 03 tháng Giêng năm 1947, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Mutê (Moutet) từ Pháp sang Đông Dương, sẽ vào Hỏa Lò thăm và nói chuyện với họ. Tất cả 6 người đều dự đoán thế nào Mutê cũng tìm cách tán tỉnh và lôi kéo, mua chuộc nên họ đã tự nhắc nhở nhau phải đề cao cảnh giác, giữ đúng tư thế người trí thức yêu nước.

Nhưng trong thực tế, cuộc gặp mặt và nói chuyện đã diễn ra khác với dự đoán của các ông. Mutê đã tỏ thái độ lạnh lùng và rất nhâng nháo khi cho rằng “Việt Minh thật là dại dột, phiêu lưu khi chỉ có mấy chục khẩu súng quèn mà dám tấn công lại một đội quân thiện chiến như quân đội viễn chinh Pháp, được trang bị vũ khí tối tân”. Hắn cho rằng, những nhân sĩ, trí thức “biết ở lại Hà Nội không chạy theo Việt nh là khôn!”. Hắn còn huyênh hoang “Các ông hãy chờ thêm ít hôm, chúng tôi sẽ quét sạch bọn phiến loạn, phiêu lưu và trả lại tự do cho các ông. Các ông có thỉnh cầu gì không?”.

Tất cả những nhân sỹ, trí thức Hà Nội đều im lặng, không ai thèm nói gì với Mutê, họ thể hiện rõ sự khinh bỉ tên thực dân cấp cao ấy. Mutê cảm thấy lúng túng, trơ trẽn, vội chào tạm biệt và nói với bác sĩ Trần Văn Lai cùng đi với hắn lên phòng tên sếp ngục để “nói chuyện riêng”. Mutê tưởng rằng, hắn và bác sỹ Trần Văn Lai cùng là đảng viên Đảng Xã hội nên có thể lung lạc được ý chí của vị nhân sĩ này, nhưng hắn đã nhầm khi không thể làm lay chuyển được ý chí và lòng yêu nước của những người trí thức Việt Nam, dù rằng họ với hắn đang cùng chung một Đảng phái.

Những câu chuyện lịch sử, những giai thoại cảm động về thị trưởng Trần Văn Lai đã khép lại chương trình Bánh xe đồng vọng ngày hôm nay. Ông là người đã góp công đổi nhiều tên phố, tên đường, góp phần thay đổi diện mạo của thủ đô Hà Nội, để nhiều tên đường, tên phố, nhiều di tích, thắng cảnh được sống mãi cùng lịch sử phát triển của thủ đô.