TP.HCM tập trung gỡ khó cho các dự án BT

Hiện nay, nhiều dự án thực hiện theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) tại TP.HCM đang phải tạm ngưng thi công. Nguyên nhân do đâu? Thành phố đã làm gì để tháo gỡ cho những dự án này?

Vỉa hè đường Tố Hữu trong khu đô thị mới Thủ Thiêm nhếch nhác, xuống cấp. Ảnh: Lao động

Đầu tiên là dự án Đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) do Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư. Dự án này được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, khởi công xây dựng từ năm 2014, khi đưa vào sử dụng sẽ tạo thành trục giao thông kết nối toàn bộ các khu chức năng của Đô thị mới Thủ Thiêm với hệ thống giao thông khu vực.

Tuy nhiên, 4 tuyến đường chính được xem như "xương sống" của Khu đô thị Thủ Thiêm lại đang dang dở sau nhiều năm triển khai. Cụ thể, đường Trần Bạch Đằng, Tố Hữu, Nguyễn Thiện Thành, Bùi Thiện Ngộ đã ngừng thi công từ tháng 2/2018 sau khi đạt 87% do vướng giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, do chưa bàn giao cho cơ quan quản lí Nhà nước nên những tuyến đường này không được duy tu, bảo dưỡng dẫn đến xuống cấp. Nhiều đoạn hố ga bị mất nắp, cỏ mọc tràn vỉa hè, nhếch nhác rác thải.

1 dự án khác trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng đang tạm ngưng thi công từ nhiều năm nay, là Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc Nam. Dự án này được khởi công từ tháng 7/2015, có tổng mức đầu tư gần 3.350 tỷ đồng. Việc vướng mặt bằng đã ảnh hưởng tiến độ thi công của dự án, công trình đã ngưng thi công từ tháng 10/2017 đến nay. Đây cũng là lý do nhà đầu tư chưa có khối lượng hoàn thành để cân đối giá trị thanh toán các lô đất.

Ông Phan Công Bằng (Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM), cho biết, thời gian tới sẽ triển khai thi công những hạng mục có mặt bằng: 

“Đối với 2 dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì hướng giải quyết là đang điều chỉnh quy hoạch đối với dự án 4 tuyến đường. Dự kiến, nhà đầu tư cùng phối hợp với các sở ngành thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư và điều chỉnh dự án. Chúng tôi sẽ phối hợp với khu đô thị Thủ Thiêm tiếp nhận và tổ chức giao thông với những hạng mục đã hoàn thiện, và có đủ điều kiện để mà khai thác. Trong đó, phải hoàn thiện thủ tục chiếu sáng và 1 số thủ tục khác. Và những hạng mục có mặt bằng thì nhà đầu tư cũng đã cam kết đẩy nhanh tiến độ thi công”.

Công trường đoạn 3 của đường vành đai 2 đang tạm ngưng thi công từ năm 2020 đến nay. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Một dự án khác là dự án đường Vành đai 2 giai đoạn 3 cũng đang “trùm mền” do vướng thủ tục.  Theo chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Văn Phú – Bác Ái hiện đã thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng với tỷ lệ 98% khối lượng, chỉ còn vướng 25 hồ sơ.

Tuy nhiên, công trình dừng thực hiện vì phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và cơ cấu tổng mức đầu tư theo yêu cầu của kiểm toán nhà nước, đồng thời phải ký lại phụ lục hợp đồng vì đã hết hạn.

Theo ông Trần Đức Thắng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Văn Phú – Bác Ái), hiện vướng mắc lớn nhất là điều chỉnh dự án và vướng mắc trong thanh toán quỹ đất: “Khó khăn tiếp theo nữa là chủ đầu tư dù đã giải ngân với giá trị rất lớn, với hơn 2100 tỷ, tuy nhiên là vẫn chưa được thanh toán quỹ đất nên gây khó khăn rất lớn. Mong là các sở ban ngành sẽ sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho dự án, ký kết lại hợp đồng BT, cũng như tiến hành thanh toán quỹ đất như trong hợp đồng thì chúng tôi cũng sẽ triển khai rất nhanh chóng để khép kín đường vành đai 2”, ông Thắng cho biết.

Mới đây, Đoàn công tác lãnh đạo thành phố cũn đã đi kiểm tra thực địa các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BT trên địa bàn thành phố. Làm việc với chủ đầu tư các dự án, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chỉ đạo các Sở liên quan sớm hoàn thiện, trình lại điều chỉnh phụ lục hợp đồng trong tháng 5 để dự án sớm triển khai.

Lãnh đạo thành phố cũng hứa sẽ tập trung chỉ đạo để giải quyết cơ bản xong phần giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện thi công thuận lợi.

“Trong tháng 5 này sẽ đảm bảo được pháp lý dự án, tức là duyệt được điều chỉnh, bởi vì đợt 1 là giám sát đầu tư. Thì bây giờ sở kế hoạch đầu tư 15/5 này trình lại, đồng ý giám sát. Bắt đầu anh trình lại cái điều chỉnh là xong rồi, thì sau khi có quyết định lại phương án đầu tư bao gồm cả điều chỉnh thời gian thì bắt đầu ngồi với nhau đàm phán cái phụ lục hợp đồng”, ông Bùi Xuân Cường nói.

TP.HCM đang xin áp dụng trở lại thực hiện hình thức  Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) và Hợp đồng xây dựng Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT) cho một số công trình trọng điểm. Nhiều dự án cấp bách sẽ không còn phải phụ thuộc vào khả năng cân đối kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025./.