TP.HCM nên mạnh dạn thành lập Sở chuyên trách lo chuyện cây xanh

Cây xanh là tài sản quý giá của mỗi thành phố, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hoá và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị hiện nay vẫn còn nhiều bất cập do thiếu tư duy quy hoạch tổng thể.

Đối thoại về vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TSKH. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn.

PV: Trong quá trình thực hiện quy định, nguyên tắc về quản lý cây xanh đô thị, chúng ta đang gặp những thách thức, hạn chế gì? 

TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn: Cách quản lý cây xanh như bây giờ, tôi thấy có một số vấn đề cần phải được củng cố và phải giải quyết. Cây xanh là bộ phận quan trọng trong đô thị nhưng quan tâm chưa xứng tầm. Tại TP.HCM, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh chỉ là một bộ phận nhỏ trong Sở Xây dựng, trách nhiệm cũng “hữu hạn” thôi.

Cách tổ chức của chúng ta như hiện nay sẽ dẫn đến một số hệ luỵ. Chúng ta phát triển đô thị nhưng yếu kém trong phát triển cây xanh tương ứng.

Với tiêu chí 10m2/người của UNESCO thì TP.HCM chỉ đạt khoảng 0.5m2/người, có nghĩa là chúng ta đang thiếu 20 lần.

Vậy thì ai chịu trách nhiệm?

Thành phố rất quan tâm, nhưng vẫn chưa chỉ rõ ra Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc đảm bảo đủ không gian xanh cho thành phố? Và chừng nào chúng ta đạt được 10m2 cây xanh/người?

Cây xanh là tài sản quý giá của mỗi thành phố, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hoá và biến đổi khí hậu

PV: Chuyện cây ngã đổ, gây thiệt hại về người và tài sản xảy ra nhiều trong thành phố. Chúng ta cần phải có những chính sách thế nào để đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người dân?

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Trên thực tế vẫn còn thiếu cơ chế bảo vệ, đảm bảo an toàn cho người dân một cách hiệu quả. Và nếu cây có gãy đổ, gây thiệt hại, thì phải bồi thường cho người dân như thế nào? Điều này, theo tôi còn khá mơ hồ và chưa rõ ràng.

Trái bóng trách nhiệm đôi khi đá qua đá lại.

PV: Còn với các hoạt động chăm sóc và bảo vệ cây xanh, đặc biệt là cây cổ thụ, cây di sản trong đô thị thì sao?

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Chúng ta thiếu trách nhiệm trong việc giữ gìn những cây xanh có giá trị và thường xuyên lấy lý do “nhường” cho sự phát triển hạ tầng, đô thị mà chặt cây không thương tiếc.

Nhưng thẳng thắn nhìn lại, ngay từ đầu dự án, họ đã không xem cây xanh là quan trọng. Khi phê duyệt các dự án hạ tầng, câu hỏi đầu tiên phải đặt ra là là Dự án đó có xâm hại đến cây xanh không? Và có cách nào để tránh không phải chặt cây hay không?

Câu hỏi đó sẽ giúp đưa ra những cân nhắc đúng đắn.

Sử dụng flycam để kiểm tra cây xanh tại công viên Tao Đàn sau sự cố nhánh cây rơi xuống khiến 5 người thương vong

PV: Riêng với TP.HCM, chúng ta cần những tư duy đột phá thế nào trong vấn đề này?

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn: TP.HCM nên đi đầu trong một chiến lược thực sự bài bản, khoa học và nêu được mục tiêu, kế hoạch cụ thể để đạt được nâng diện tích cây xanh trên đầu người.

UBND TP phải đứng ra tổ chức lại vì mô hình hiện nay chưa thực sự hiệu quả.

Nên chăng, TP.HCM mạnh dạn thành lập một Sở hoặc cơ quan công quyền chuyên trách để lo về cây xanh, chịu trách nhiệm trực tiếp với UBND TP.

Sở này sẽ chịu trách nhiệm lập nên chiến lược phát triển không gian xanh công cộng cho thành phố và quy trình bảo vệ, đánh giá cây xanh; việc bồi thường khi cây xanh gây ngã đổ gây thiệt hại; hướng dẫn quy trình cho các đơn vị chuyên trách và người dân; giám sát và báo cáo tình trạng thực tế của các quận, huyện và chủ sở hữu những công trình có cây xanh trong khuôn viên.

Để đạt được diện tích cây xanh 10m2/người thì Sở này có trách nhiệm phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng... để đưa ra kế hoạch 10m2/người đó nằm ở đâu trên bản đồ; thời gian nào sẽ xanh hoá khu vực nào và năm nào thì đạt mục tiêu?

Về mặt an toàn, Sở này sẽ số hoá hết cây xanh có nguy cơ gãy đổ. Cần phải có bản đồ sức khoẻ của cây xanh trên toàn đô thị. Cây nào có nguy cơ cho cộng đồng thì phải đưa vào diện cảnh báo hay quan tâm theo dõi.

Điều này giúp nh bạch trách nhiệm và ngăn ngừa sự cố.

PV: Xin cảm ơn ông!