TP.HCM: Mua sắm Tết tại các chợ truyền thống có thể giảm từ 50% trở lên

Bánh, mứt là mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán. Thế nhưng, dự đoán mãi lực sắm Tết tại các chợ truyền thống năm nay có thể giảm từ 50% trở lên, các tiểu thương dù sẵn sàng đa dạng nguồn hàng, nhưng chưa mạnh dạn chuẩn bị số lượng nhiều

 

TP.HCM chủ động hàng hóa chuẩn bị cho Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022. Hiện tại, theo kế hoạch của Sở Công Thương TP.HCM, các doanh nghiệp đã chuẩn bị hơn 19.880 tỷ đồng để dự trữ, cung ứng hàng hóa cho 2 tháng Tết. Con số này tương đương Tết năm ngoái. 

Trong đó, hơn 7.220 tỷ đồng chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường. Sở Công Thương TP dự đoán, với số vốn chuẩn bị như trên, các doanh nghiệp bảo đảm được lượng hàng dự trữ, cung ứng trong dịp Tết năm nay. Song, do sức mua tại một số kênh bán lẻ truyền thống có thể suy giảm hơn so với mọi năm, nên tiểu thương cũng có những thay đổi để phù hợp với tình hình mớ.

Bà Thoa - tiểu thương chợ Tân Định cho biết, giá cả thị trường mặt hàng bánh mứt, đồ khô hiện đều được giữ ở mức ổn định nhằm khuyến khích người mua, nguồn hàng năm nay cũng được đảm bảo, không đứt nguồn cung.

Bánh, mứt là mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán. Thế nhưng, dự đoán mãi lực sắm Tết tại các chợ truyền thống năm nay có thể giảm từ 50% trở lên, các tiểu thương dù sẵn sàng đa dạng nguồn hàng, nhưng chưa mạnh dạn chuẩn bị số lượng nhiều trong dịp Tết năm nay. 

Chị Phan Lại Hoàng Tâm – Tiểu thương chợ An Đông, Quận 5, TP.HCM cho biết so với mọi năm thì năm nay chợ rất vắng, nhưng chị hy vọng những ngày cuối năm, khi người lao động có thưởng Tết, thì sức mua sẽ cao hơn.

Còn với anh Long - tiểu thương có hơn 25 năm kinh doanh quần áo, ngoài kênh bán hàng truyền thống tại sạp, anh và gia đình phải tận dụng các kênh bán hàng trực tuyến trong dịp Tết năm nay. Nguồn doanh thu từ kênh online đóng góp 20% doanh thu cho anh trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vừa qua.

Anh Long chia sẻ: "Bây giờ, chợ truyền thống như mình cũng phải theo kịp xu hướng. Mình bán hàng qua Zalo và Facebook luôn. Mình cố gắng để tăng doanh thu trong tình hình mới."

Thu nhập giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đa phần người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu, thắt chặt hầu bao Sở Công Thương TP.HCM cho biết tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 11 tháng đầu năm trên địa bàn TP chỉ đạt gần 78% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với các chợ truyền thống sự nổ lực của doanh nghiệp, các hệ thống siêu thị bán lẻ trên địa bàn TP.HCM cũng đã và đang có sự chuẩn bị hết sức tích cực không chỉ là nguồn hàng mà còn các giải pháp kich cầu thu hút người tiêu dùng đến mua sắm những ngày cuối năm. 

Ông Nguyễn Ngọc Thắng – Giám đốc khối vận hành hoạt động Coopmart cho biết đơn vị cũng nhanh chóng thay đổi kế hoạch đặt hàng tết và phối hợp chặt chẽ hơn với các đơn vị nhà sản xuất để làm sao có thể chủ động được nguồn hàng. Sự khác biệt tết năm nay so với mọi năm, theo ông Thắng, đó là Coopmart sẽ tập trung nhiều hơn cái nhóm hàng thiết yếu và đặc biệt có những phận khúc giá làm sao cho phù hợp với chi tiêu của người dân trong dịp này.

Sự thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh, mua bán của các kênh bán lẻ truyền thồng trong bối cảnh hiện nay. Song, tín hiệu đáng mừng là thị trường đã nhìn thấy những thay đổi tích cực trong việc tiếp cận và kích cầu tiêu dùng, sẵn sàng chờ đón mùa mua sắm lớn nhất trong năm./.