TP.HCM: Hàng loạt tài xế bị kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích tại cửa ngõ phía Tây

Chiều tối ngày 15/1, Đội CSGT An Lạc (PC08) CA Tp.HCM phối hợp với lực lượng cảnh sát địa phương kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích các tài xế.

Lực lượng PC08 tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Trước tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu, ma túy diễn biến phức tạp thời gian qua, ảnh hưởng đến tâm lý người tham gia giao thông, gây bức xúc dư luận. Điển hình như vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Long An ngày 2/1 do xe container gây ra làm chết 4 người và nhiều người bị thương. Từ ngày 16/1 đến 15/2, PC08 sẽ triển khai thực hiện đợt ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thời gian thực hiện ra quân hàng ngày sẽ trong khung giờ từ 18h chiều hôm trước đến 2h sáng hôm sau.

Theo đó, đợt cao điểm sẽ chia làm hai giai đoạn. Ở giai đoạn 1, PC08 sẽ phối hợp với Công an các quận, huyện thực hiện kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, kết hợp kiểm tra hành chính để xử lý vi phạm, phòng ngừa tội phạm trong trường hợp cần thiết. Cùng với đó, lực lượng chức năng sẽ kiểm soát cơ động kết hợp với dừng tại một điểm trên đường giao thông; thông qua các vi phạm khác về TTATGT (vi phạm phần đường, làn đường, tốc độ...) tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm về nồng độ cồn, chất kích thích.

Hình phạt tối đa có thể lên tới phạt tiền 18 triệu đồng, tước GPLX 22-24 tháng

Theo kế hoạch ở giai đoạn 1, khi phát hiện người điều khiển phương tiện có dấu hiệu sử dụng chất kích thích, tổ kiểm tra sẽ phối hợp với cơ sở y tế xác định chất kích thích trong máu, nếu vi phạm sẽ bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý. Giai đoạn 2, PC08 sẽ phối hợp với Công an địa phương, Trung tâm y tế dự phòng cấp quận, huyện tiến hành kiểm tra chất kích thích đối với tài xế lái xe chuyên nghiệp tại các khu vực như: Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, Cảng Cát Lái... để kịp thời phát hiện các vi phạm liên quan đến giấy phép lái xe, sử dụng chất kích thích...

Bên cạnh đó, PC08 sẽ phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa để tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, quy định về nồng độ cồn, chất kích thích để nhân dân, doanh nghiệp và đội ngũ tài xế biết, đồng tình ủng hộ và lên án các hành vi vi phạm.

Hình phạt cao nhất về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế sử dụng chất kích thích là phạt tiền đến 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng, bị tạm giữ xe 7 ngày.

Nhìn chung, đa phần các tài xế điều chấp hành tốt từ việc kiểm tra này

Cụ thể, ngay trong chiều tối ngày 15/1, Đội CSGT An Lạc (PC08) công an Tp.HCM phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động, công an địa phương lập chốt trên quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh cửa ngõ phía Tây ra vào thành phố để kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích các tài xế.

Ghi nhận chỉ trong vòng gần 1 giờ hàng chục phương tiện ô tô tải, container đã được lực lượng chức năng yêu cầu dừng tại chốt trên quốc lộ 1 để kiểm tra. Nhìn chung, đa phần các tài xế điều chấp hành tốt từ việc kiểm tra này. Nhiều tài xế tỏ ra đồng tình, ủng hộ.

“Tôi thấy tài xế sử dụng rượu bia và chất kích thích thường gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng”

“Tôi thấy tài xế mà sử dụng chất kích thích thì phải lên án. Tài xế chạy xe tính mạng của mọi người với lại tài sản của người ta nữa, phải tránh xa điều đó. Là tài xế mình cũng khuyên những anh em tài xế lái xe không sử dụng chất kích thích, uống rượu khi lái xe để an toàn tính mạng của mình và tài sản của người khác. Có uống rượu thì mình không nên chạy xe nếu có uống rượu bia mình nghỉ ngơi mai chạy”.

“Tôi vẫn nói là hơi trễ. Đúng ra là lực lượng chức năng phải kiểm tra từ lâu rồi. Mình phải kiểm tra từ lâu rồi chứ không phải đến lúc này mới kiểm tra để khi xảy ra sự cố rồi mình mới kiểm tra thì hơi trễ. Vì vậy mình cố gắng kiểm tra càng nhiều càng tốt bởi vì tôi nghĩ nếu mình đi trễ một tiếng nhưng mà nó an toàn vẫn hơn là đến sớm hơn nữa tiếng mà nó xảy ra tai nạn. Thật sự nó rất là nguy hiểm”.

Đánh giá về việc tài xế, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông sử dụng rượu bia, chất kích thích Trung tá Huỳnh Phú Hùng- Phó Đội trưởng Đội CSGT An Lạc thuộc phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an Tp.HCM cho biết đây là hành vi rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

PV Kênh VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Trung tá Huỳnh Phú Hùng- Phó Đội trưởng Đội CSGT An Lạc 

 

PV- Đồng chí cho biết tình trạng người tham gia giao thông vi phạm lỗi sử dụng rượu bia trong khi lái xe trên địa bàn đội quản lý thời gian qua diễn biến ra sao? Số liệu thống kê xử lý từ đầu năm đến nay?

“Hôm nay thì bắt đầu thực hiện kế hoạch của công an thành phố ra quân để kiểm tra nồng độ cồn kết hợp với kiểm tra người điều khiển phương tiện có sử dụng chất kích thích ma túy. Trên địa bàn đội cảnh sát giao thông An Lạc từ đầu năm đến nay đã kiểm tra và phát hiện xử lý 184 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn trong đó có 4 trường hợp xe ôtô và 180 trường hợp xe mô tô vi phạm”

PV- Những khó khăn trong quá trình thực hiện chuyên đề kiểm tra xử lý những trường hợp người tham gia giao thông lái xe khi sử dụng rượu bia, chất kích thích nói chung là gì?

“Những khó khăn mà cảnh sát giao thông thường gặp phải trong quá trình kiểm tra xử lý trường hợp vi phạm nồng độ cồn, người vi phạm có hành vi chống đối, cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, không xuất trình giấy tờ, không khai tên họ, không thổi nồng độ cồn và tự ý bỏ đi”.

PV- Đồng chí có thể cho biết mức độ nguy hiểm của việc lái xe trong khi sử dụng rượu bia như thế nào và có những khuyến cáo nào đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia?

“Đối với người điều khiển phương tiện giao thông đã có uống rượu bia thì bản thân người đó đã không làm chủ tay lái, không kiểm soát được hành vi của mình gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và bản thân mình và dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Tôi có lời khuyên đối với người dân khi tham gia giao thông, điều khiển phương tiện thì không được uống rượu bia và khi đã uống rượu bia thì không được lái xe”

Vâng xin cảm ơn ông!

Theo thống kê, năm 2018, tại TpHCM đã xảy ra 3.643 vụ tai nạn giao thông, làm 702 người chết, 2.517 người bị thương. Lực lượng CSGT Tp.HCM đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm đối với 562.575 trường hợp. So với cùng kỳ năm trước tăng 33.303 trường hợp. Do đó, việc tập trung xử lý nồng độ cồn, chất kích thích được thực hiện sẽ góp phần giúp người dân hiểu rõ những tác hại của bia rượu, chất kích thích khi tham gia giao thông. Qua đó đó điều chỉnh hành vi của mình. Việc làm này cần được tiếp tục duy trì, nhân rộng và triển khai thường xuyên.