"Tôi uống rượu nhưng tôi không lưu thông, tôi đang dừng đèn đỏ"

Theo số liệu thống kê trong năm 2023 và Quý I năm 2024, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và xác minh gửi thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý trên 7.600 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn.

 

Chốt kiểm tra nồng độ cồn của Đội CSGT Chợ Lớn tại giao lộ Hải Thượng Lãn Ông - Võ Văn Kiệt, thuộc địa bàn Quận 5, TP.HCM

Ghi nhận mới đây, Đội CSGT Chợ Lớn thuộc Phòng CSGT Công an TP. HCM tổ chức thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại giao lộ Hải Thượng Lãn Ông - Võ Văn Kiệt thuộc địa bàn quận 5, TP.HCM.

Qua hơn 2 tiếng đồng hồ thực hiện chuyên đề, lực lượng CSGT đã dừng xe kiểm tra hàng chục phương tiện, trong đó có một số trường hợp không chấp hành việc đo kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng.

CSGT: Bây giờ anh có uống rượu không?

Người vi phạm: Có uống.

CSGT: Bây giờ sao anh không chịu đo?

Người vi phạm: Tôi không đo, tại tôi đang đậu đèn đỏ, không phải là tôi đang lưu thông.

CSGT: Nếu anh không đo thì sẽ bị phạt lỗi không chấp hành nhé.

Người vi phạm: Bây giờ xe tôi các anh giữ, giấy tờ xe tôi các anh giữ, chứng nh tôi các anh giữ, bây giờ tôi đi về, xe tôi để đó.

CSGT: Bây giờ tôi hỏi anh, giấy phép lái xe anh có không?

Người vi phạm: Tôi mất rồi.

CSGT: Bây giờ anh uống rượu thì anh phải đo để biết nồng độ cồn bao nhiêu.

Người vi phạm: Anh đừng kêu tôi đo, ai nhậu vô cũng phải có nồng độ cồn, bây giờ mấy anh không được ép tôi, giữ xe tôi là tôi được quyền đi về.

CSGT: Bây giờ anh không chịu đo thì chúng tôi sẽ cưỡng chế anh đi xét nghiệm máu.

Người vi phạm: Anh cứ việc đưa tôi vô, đi đi bệnh viện luôn.

Đo kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

6 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT Công an TP.HCM đã phát hiện, xử lý 352.435 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 201.818 trường hợp với số tiền phạt hơn 388 tỷ đồng. TNGT trên toàn địa bàn thành phố xảy ra hơn 800 vụ, làm chết 223 người, bị thương 539 người, trong đó số vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn là 125 vụ. Như vậy, có thể thấy việc kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn có vai trò rất quan trọng trong việc kéo giảm TNGT, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Phó trưởng phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết hiện nay tỷ lệ người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện không bị phát hiện, xử lý vẫn còn cao. Lực lượng thực thi công vụ sẽ tiếp tục tăng cường xử lý các hành vi vi phạm này nhằm kéo giảm số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia.

"Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, đặc biệt là của đồng chí Bộ trưởng, về các nội dung trọng tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và xác định hai chuyên đề trọng tâm công tác phải tập trung thực hiện xuyên suốt. Thứ nhất là xử lý vi phạm về nồng độ cồn, xử lý xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng và chấn chỉnh việc chấp hành quy định về pháp luật giao thông", Thượng tá Bình cho biết.

Phiếu đo kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện
Nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã bị cán bộ, chiến sĩ CSGT Đội Chợ Lớn lập biên bản xử lý.

Lãnh đạo TP.HCM xác định công tác đảm bảo trật tự, ATGT, giảm ùn tắc giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Theo đó, trên các tuyến đường, các đơn vị CSGT được giao làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm căn cứ vào tình hình thực tiễn về lực lượng, phương tiện để thành lập các tổ chuyên đề thực hiện việc xử lý vi phạm theo kế hoạch trên tuyến, địa bàn được giao.

Khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, không được bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm; các trường hợp không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát, cản trở, chống đối lực lượng chức năng phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các lực lượng chức năng trong quá trình xử lý vi phạm, đối với người vi phạm là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, thì ngoài việc xử lý vi phạm, phải thông báo về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng để xử lý theo quy định: 

"UBND thành phố yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức, các phường, xã, thị trấn xác định công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kéo giảm TNGT, giảm ùn tắc giao thông là một trong những nhiệm vụ phải tập trung, phải ưu tiên.

Các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị cũng sẽ triển khai quán triệt tới 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia, không can thiệp vào các vụ việc xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông của các lực lượng chức năng.

Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời, trong quá trình xử lý các vi phạm sẽ ghi nhận để thông báo cho các cơ quan quản lý đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông".

Cán bộ, chiến sĩ CSGT Đội Nam Sài Gòn lập biên bản xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Trong số những trường hợp vi phạm nồng độ cồn và không hợp tác với lực lượng chức năng có không ít trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức. Theo số liệu thống kê trong năm 2023 và Quý I năm 2024, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và xác nh gửi thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý trên 7.600 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn.