Tội phạm trẻ hóa hay 'bản copy' của người lớn?

Giữa tháng 3 vừa qua, mạng xã hội xuất hiện clip dài gần 1 phút quay lại cảnh 4 nữ sinh lớp 8 ở Đồng Tháp kéo một nữ sinh khác đang ngồi trên xe rồi dùng mũ bảo hiểm đánh hội đồng dã man, chửi rủa nạn nhân. Vụ “đánh ghen” chỉ dừng lại khi có người hét lớn

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Cũng trong tháng 3, một nhóm 5 nam sinh lớp 10 ở Cần Thơ khống chế bạn học, đổ một chai thuốc không rõ nguồn gốc được mua trên mạng khiến nạn nhân sốc thuốc, ngộ độc đi cấp cứu.

Mới đây nhất, một học sinh lớp 7 sau khi uống rượu say, bị thanh niên 19 tuổi dùng vũ lực giao cấu. Sau đó, bị người yêu của thanh niên này cùng 2 thiếu nữ khác “đánh ghen”, chửi, lột áo, quay clip làm nhục. Nữ sinh hoảng sợ uống thuốc ngủ tự tử nhưng được phát hiện kịp thời.

Điểm chung của những vụ việc vừa nêu là hành vi phạm pháp được lên kế hoạch, tổ chức thực hiện bài bản, có người quay hình ảnh, có nhiều người phối hợp ra tay. Chúng phảng phất bóng dáng những vụ việc mà thủ phạm là người lớn trước đó.

Điển hình như vụ án cô gái 26 tuổi bơm độc vào trà sữa để giết vợ người tình; vụ đánh ghen giữa phố Hà Nội của vợ đại gia đi xe Lexus với “vợ bé”; những vụ đòi nợ, dằn mặt, dọa “chôn sống”; hay những vụ hiếp dâm, giết người liên quan rượu bia nhan nhản trên mạng xã hội.

Người lớn ở đâu khi một mặt cổ vũ, tung hê hành vi đánh ghen man rợ giữa thanh thiên bạch nhật, một mặt chỉ trích học sinh khi chúng chỉ đơn giản là… copy lại những gì được thấy trên mặt báo, trên mạng xã hội.

Người lớn ở đâu, khi một đám học sinh túm tụm ngồi nhậu đến khuya không kiểm soát. Chẳng phải chúng quá quen với những hình ảnh anh chị, bố mẹ vẫn thường làm?

Nghiêm trọng hơn, ở một số trường hợp, học sinh không chỉ là bản copy mà còn là “công cụ” cho người lớn thực hiện mưu đồ.

Vụ nữ giáo viên ở Hà Nội tố bị nhà trường trù dập, bị học sinh lấy thước đánh, dây chun bắn vào mắt chưa hạ hồi phân giải. Những học sinh lớp 5 đó, ăn chưa no, lo chưa tới làm sao biết đồng lòng cả lớp chống phá giờ học?

Bất kể do ai xúi bẩy, liệu chúng khi lớn lên sẽ có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống, về đối nhân xử thế?

Người lớn có thấy bóng dáng mình trong những kẻ phạm tội mang gương mặt trẻ thơ?

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: