“Tối hậu thư” cho thu phí không dừng: Hoàn thành được không phụ thuộc vào cơ chế

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã “chốt” đến hết tháng 7 này, trạm BOT nào chưa áp dụng thu phí không dừng, hoặc để xảy ra trục trặc kỹ thuật trong vận hành thu phí không dừng thì sẽ phải xả trạm.

Với quy trình, thủ tục đầu tư công nghệ thu phí thường mất nhiều tháng cho mỗi trạm, thì tiến độ này liệu có đảm bảo được không? Đâu là mấu chốt cần tháo gỡ?

PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với Chuyên gia Vũ Anh Tuấn - Trường Đại học Giao thông vận tải về vấn đề này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

PV: Mốc thời hạn 31/7 lần này mà Chính phủ đưa ra, theo ông, các BOT có thể làm được không?

Chuyên gia Vũ Anh Tuấn: Làm như thế nào thì chắc chắn VEC họ đã biết về nút thắt ở đâu mà chưa giải quyết được vấn đề đấy thì họ cũng thừa hiểu rồi.

Đối với những dự án kiểu này thì việc bổ sung trang thiết bị để chuyển đổi từ thu phí thủ công hoặc là một dừng như hiện nay lên không dừng rất đơn giản, về mặt kỹ thuật, trong vòng 1 tháng là có thể triển khai được.

Tuy nhiên, tất cả những vấn đề khó khăn nhất và nút thắt của tất cả vấn đề là ở khâu thủ tục.

Ví dụ các chủ đầu tư họ đã setup tất cả quy trình, thủ tục của họ và việc đầu tư nằm trong lộ trình thì chuyển đổi lên thu phí không dừng không phải là vấn đề quá lớn. Vì hiện nay, công nghệ sẵn có rồi, hoàn toàn có thể lựa chọn nhà thầu với những yêu cầu về kỹ thuật và giá cả cạnh tranh.

Tuy nhiên, vấn đề là thủ tục, ví dụ bây giờ mà deadline, nhưng hiện nay thủ tục chọn nhà thầu, cung cấp trang thiết bị chưa có, thì thủ tục đấy đã mất cả vài tháng trời, từ tuyển chọn nhà thầu, chấm thầu thì làm sao có thể thực hiện được.

Ảnh: Vietnam+

PV: Vấn đề lớn nhất cần giải quyết hiện nay là gì?

Chuyên gia Vũ Anh Tuấn: Vấn đề lớn nhất vẫn là cơ chế. Một khi cái tiến độ, lộ trình và các mốc thời gian đã được xác lập và thống nhất giữa các bên thì một bên không triển khai theo đúng lộ trình đó thì sẽ phải chịu trách nhiệm vấn đề này.

Trước giờ, những thứ khó khăn nhất có thể gây nên những rủi ro về mặt tiến độ đối với dự án kiểu này là sự sẵn có về công nghệ và những thủ tục lựa chọn nhà thầu, cung cấp trang thiết bị và vận hành Những vấn đề đó một khi đã được giải quyết thì vấn đề còn lại là vấn đề cơ chế.

VEC hay bất cứ một chủ đầu tư nào mà họ chậm trễ trong tiến độ đó, họ sẽ phải có lý giải. Ở đây chúng ta phải giải quyết triệt để vấn đề cơ chế. Khi chúng ta xây dựng một kế hoạch thì chúng ta đã phải cân nhắc đến tất cả các vấn đề có thể tác động đến nó và làm chậm tiến độ.

Còn hiện nay việc chậm tiến độ này không phải một lần, mà nó diễn ra rất nhiều lần rồi, thì không thể nói rằng là chúng ta không biết nguyên nhân tại sao, nguyên nhân từ đâu, nhưng điều quan trọng là chúng ta có dám đối mặt và xử lý các nguyên nhân đó hay không.

PV: Xin cảm ơn ông!