Tinh thần thể dục

Chỉ vài năm trước, nếu một người vác giày ra đường chạy sẽ nhận được vô số ánh mắt tò mò, thậm chí là những nhận xét cho rằng người đó đầu óc không bình thường?

Ảnh nh họa
 

Giữa trưa, quanh hồ Hoàn Kiếm tấp nập các nhân viên văn phòng hối hả chạy bộ. Hầu hết họ đều đang vận đồ văn phòng, nhưng có chị vẫn mặc váy bó, mồ hôi nhễ nhại, luôn ệng hối thúc bạn chạy cho đủ vòng. Có người mang giày thể thao, nhưng cũng có người đi giày da..., vẻ mặt nhiều người chẳng thấy vui vẻ gì. Có lẽ, một đơn vị nào đó vừa phát động phong trào chạy bộ trong công ty…?

Chỉ vài năm trước, nếu một người vác giày ra đường chạy sẽ nhận được vô số ánh mắt tò mò, thậm chí là những nhận xét cho rằng người đó đầu óc không bình thường?

Thế rồi từ những nhóm chạy nhỏ lẻ, những phong trào tự phát, đến nay hoạt động chạy bộ đã trở nên phổ biến ở khắp nơi. 

Nhận thấy tiềm năng xây dựng, quảng bá hình ảnh qua hoạt động này, các công ty, doanh nghiệp, ngân hàng đua nhau mở các giải chạy, từ nội bộ đến tổ chức những giải quy mô thu hút hàng ngàn vận động viên nghiệp dư tham gia. Huy động tất cả nhân viên phải tham gia.

Vậy là, ai cũng phải vác giày ra chạy. Thậm chí có người không có đủ sức khỏe, khả năng vẫn phải cố tham gia bằng cách… đi bộ.

Thực tế chắc sẽ có nhiều người vì không muốn bị nhận xét xấu, bị sếp để mắt, hay phải cố gắng làm vì không muốn mình ảnh hưởng đến phong trào thể dục đang lên hừng hực, với khí thế ngút trời của công ty mà phải tham gia…

Một ngày có 8 đến 10 tiếng đồng hồ cống hiến cho công ty, tối về đón con, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa đã đủ bã người, làm sao còn đủ sức mà chạy? Vậy là thôi thì tranh thủ giờ nghỉ trưa vác giày ra đường chạy cho đủ chỉ tiêu.

Chạy bộ thì tốt, giúp tăng cường sức khỏe. Nhưng chạy mà như đang chạy chỉ tiêu kế hoạch cuối năm của các anh chị nhân viên văn phòng kia thì chả khác gì hành nhau?

Chợt nghĩ, câu chuyện lão Lý lác mẫn cán tuân mệnh quan trên chạy đôn chạy đáo tróc nã cho đủ 100 đầu đinh trong làng đi xem bóng đá trên huyện mà như tầm phạm, khổ sở vất vả đủ đường; Vừa đi điểm đầu đinh, lo ngay ngáy quan trên bắt phạt không tận tâm nếu nhỡ anh dân nào nhân sơ hở trốn mất trong truyện ngắn Tinh thần thể dục mà sao thấy giống ghê gớm. 

Có lẽ, khi Nguyễn Công Hoan tường thuật lại câu chuyện này cũng chẳng nghĩ được rằng sau gần trăm năm câu chuyện của ông vẫn còn nguyên tính thời sự đến vậy.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 24/11 tại đây: