Tinh hoa nghề đậu bạc Định Công

VOVGT-Làng Định Công nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội nổi tiếng với nghề kim hoàn đặc biệt là đậu bạc từ hàng ngàn năm nay...

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Làng Định Công nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội nổi tiếng với nghề kim hoàn đặc biệt là đậu bạc từ hàng ngàn năm nay. Có thể nói, đây cũng là 1 trong những nghề truyền thống mang lại niềm tự hào cho mảnh đất Thăng Long - Hà Nội…

Từ xưa tới nay, người Hà Nội vẫn  truyền tụng câu ca: “Lĩnh hoa Yên Thái/Đồ gốm Bát Tràng/Thợ vàng Định Công/Thợ đồng Ngũ Xã”. Qua bàn tay khéo léo của những người thợ kim hoàn Định Công, các sản phẩm tinh xảo từ vàng, bạc được lưu truyền từ đời này qua đời khác.      

Sản phẩm đậu bạc Định Công luôn là 1 trong những sản phẩm mang lại niềm tự hào cho nghề thủ công Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Hầu hết các cửa hàng ở Hàng Bạc là người Định Công

Nghệ nhân Quách Văn Trường – một trong những người có công lưu giữ và phục dựng lại làng nghề kim hoàn Định Công cho biết: Dân Định Công đưa hàng đi khắp nơi kể cả ền núi và ền xuôi đồng thời một một số ra ngoài để sinh sống thì mới thành lập ra phố Hàng Bạc, phố Hàng Bạc chủ yếu là người Châu Khê, người Định Công. Về vàng thì có làm hoa giàn, hoa bèo, hoa đậu là những mặt hàng truyền thống mà người già người ta hay đeo về hàng bạc thì có dây xà tích, dây ống vôi và ngày xưa các cụ có đeo dây chìa khóa. Còn trẻ con thì có những cái khóa chân, khóa tay thế còn dân ền núi thì cúc bạc, các loại hoa thì đấy là những sản phẩm mà ngày xưa dân định công làm, thế rồi khuy áo dài…

So với các làng nghề chạm bạc Đồng Xâm ở Thái Bình, Châu Khê ở Hải Dương, những sản phẩm ở Định Công có nét đặc trưng riêng. Theo nghệ nhân Quách Văn Trường thì nhiều tác phẩm đậu bạc ở đây lên tới cả vài ngàn chi tiết, điều đó đòi hỏi  người thợ phải có kỹ thuật, tay nghề cao thì mới làm được: Nghề đậu nó đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và đòi hỏi phải có sự kiên trì thành ra đó là nét đặc trưng riêng của làng định công mà cho đến nay nghề đậu ở Định Công so với toàn quốc thì định công vẫn là đỉnh cao của hàng đậu.

Sự khác biệt và độc đáo là có thể thấy rõ, ví dụ như nghề chạm là dùng mảng giát to rồi nó thúc lên thành các hình con rồng, con phượng, người, cây cảnh hay một bức tranh, hay cái cốc, cái chén…; Còn hàng trơn là những phần nhẵn bóng như cái thìa rồi là phần khung xương của các đồ mỹ nghệ.

Những sản phẩm trang sức bằng bạc của người thợ Định Công luôn nổi tiếng về sự tinh tế

Riêng với đậu bạc, tức là phải dùng nhiều những hoa văn nhỏ, chi tiết nhỏ, nó có thể bằng hạt tấm, hạt cát thậm chí phải dùng kính lúp mới nhìn thấy để ghép thành sản phẩm. Anh Quách Phan Tuấn Anh, một người thợ kim hoàn Định Công cho biết: Bắt đầu từ những hạt bạc mua ở ngoài thị trường về xong phải nấu chảy đổ thành từng thanh bạc như đũa, sau đó cán qua nhiều lần cho nhỏ như que tăm, rồi lại phải đưa qua bàn kéo thành sợi như sợi chỉ, chỉ se là nguyên liệu chính trong sản xuất những sản phẩm đậu bạc.

Anh Tuấn cho biết: Từ sợi chỉ se đấy thì sẽ uốn, tết thành rất nhiều hoa văn, họa tiết khác nhau, kỹ thuật chuyên môn gọi là sòi, guột, hoa lá, mây, bướm các thứ. Từ những chi tiết nhỏ đấy thì mới ghép với nhau để tạo thành sản phẩm đậu bạc. Sau khi tạo được chỉ se, quấn tết thành những hoa văn, họa tiết, muốn làm một hình gì đấy thì chúng ta sẽ tạo khung xong đưa các chi tiết nhỏ ghép lại xong lại phải hàn, gắn kết các chi tiết lại với nhau, tiếp theo nữa là chúng ta phải đánh nhẵn bề mặt làm sạch sản phẩm và cuối cùng là làm bóng sản phẩm.

Cũng bởi đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn như vậy nên có những sản phẩm đậu bạc luôn đạt tới độ tinh xảo. Các sản phẩm như tranh bạc về phong cảnh, di tích của thủ đô Hà Nội, người thợ chỉ làm 2-3 ngày, nhưng những sản phẩm như long, ly, quy, phượng, rồng chầu mặt trăng, cá chép rồng đùa nước… thì phải làm mất cả tháng thời. Anh Quách Phan Tuấn Anh cho biết: Trong đậu bạc khó nhất là việc ghép các chi tiết lại với nhau bởi vì khi ghép vài chi tiết gắn lại với nhau rồi nhưng khi mình ghép nhiều chi tiết thì có thể đang ghép chi tiết này nó lại rơi rụng những chi tiết khác trước đấy, rồi thì trong kỹ thuật dùng lửa, ghép giữa mảng lớn với mảng nhỏ thì nó rất dễ bị tiêu chảy thì đòi hỏi người thợ phải sử lý khéo léo và có kinh nghiệm.

Được tận mắt chiêm ngưỡng những nét chạm trổ tinh tế, tuyệt mỹ trên những chén vàng quả bạc, những hình long, ly, quy, phượng hay những đôi bông tai mềm mại, những sợi dây truyền lộng lẫy, mới thấy hết được sức sáng tạo và tinh hoa của bàn tay người thợ kim hoàn nơi đây.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nghề làm vàng bạc ở Định Công đã không còn được như trước. Nhưng điều đáng mừng là hiện nay, Định Công vẫn còn người gắn bó với nghề.