Tỉnh giấc sau cơn phê pha (Kỳ 1): Trăm ngã rẽ lạc lối

Có người trên đỉnh cao sự nghiệp, người rơi vào vực thẳm hôn nhân để rồi lạc lối tìm đến ma túy mong quên đi thực tại. Nhiều người một lần, hai lần rồi lệ thuộc khó dứt thứ hàng trắng này, lậm vào rồi cai rất khó, nhiều người cứ tái đi tái lại.

Vào trại cai nghiện dăm ba lần, họ - những thiên thần sa ngã mới tỉnh giấc sau cơn mộng mị, mới biết mình mất đi nhiều thứ. Để giờ phải đi tìm lại chính mình.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Một buổi chiều bên trong Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa, TP.HCM, chúng tôi bắt gặp hàng trăm học viên đang học tập, điều trị để “quên” đi những cơn phê pha đắm chìm, vực dậy một cơ thể rệu rã, một tinh thần từng lạc lối.

Sau tất cả, họ đều có những nỗi niềm, lý do riêng dẫn đến ngã rẽ có phần lầm lỡ khi trót lậm vào ma túy. Học viên B.A.Đ, quê Hà Tĩnh nhớ về lần đầu mình chơi ma túy vào năm 20 tuổi: “Tuổi trẻ có tí thành công, ra trường đi làm, Bí thư đoàn thanh niên lên vùng Tân Kỳ Tương Dương, Nghệ An làm 3km đường mòn Hồ Chí Minh. Lúc đó, nhiều cửu vạn đưa mình cái viên tròn tròn, uống vô sức lực khỏe làm việc 200%. Sau một thời gian thì mình lậm vô”.

Sau lần đầu cai nghiện cắt cơn, 3 năm sau anh Đ. tái nghiện. 40 tuổi, anh Đ. tiếp tục chặng đường cai nghiện: “Lý do lần này lại khác, do gia đình nhỏ trục trặc, làm ăn thua lỗ, cộng với việc không kỉ luật bản thân, nhậu nhiều sức khỏe đi xuống kéo theo tinh thần đi xuống dẫn đến suy nghĩ lệch lạc. Thầm kín trong người nhiều dồn nén quá khiến mình tặc lưỡi và nhớ lại”.

Cùng cảnh ngộ, học viên P. N. L (42 tuổi, quê Quảng Nam) làm nghề môi giới bất động sản trước khi vào trung tâm điều trị: “Lần đầu là năm 2000 chơi với bạn bè chỉ hút một vài lần, đến 2015 làm có kinh tế, rảnh rỗi nhiều hơn nên đi đánh bài bạc. Vô sòng, môi trường muốn quay lại cảm giác ngày xưa nên quay lại, chơi lại. Do bản thân mình ra”.

Nữ học viên hiếm hoi của Trung tâm, chị N.N.T. T (34 tuổi, TP.HCM) tâm sự rằng một phần do bạn bè rủ rê, hôn nhân tan vỡ khiến chị cần tìm một nơi để buông bỏ. Năm 18 tuổi kết hôn, 27 tuổi hôn nhân là vực thẳm, hằng đêm chị tìm đến bia rượu, ma túy tổng hợp.

“Cuộc hôn nhân có vấn đề, không hạnh phúc, lấy nhau còn trẻ có nhiều suy nghĩ chưa thông, làm cho con người mình dễ bị tác động. Trong phút bất đồng, cái tôi quá lớn không kiềm chế được để dẫn đến những việc làm sai trái, đến giờ mới nhìn lại để sau này phải sống tốt hơn”, chị N.N.T. T chia sẻ.

Đã hơn hai năm cai nghiện, chị T. vẫn nhớ những đêm quay cuồng phê pha trong bar, club với bạn bè:  “Khi không có đồ thì lại nhớ, cảm giác thích được đi bar, thích nghe nhạc, bị cuốn vào cảm giác ma túy tổng hợp. Đến khi chơi vô, không ngủ được, trong người liên tục ảo thanh”.

Cũng là người Sài Gòn và là học viên trẻ nhất, anh D. T (25 tuổi), con đường đến với ma túy có phần khác biệt hơn vì quan niệm thứ anh chơi là cần sa, tác hại nó không đáng kể và có thể làm chủ được bản thân. Anh làm nghề kinh doanh và bị lệ thuộc cần sa được 6 tháng.

Anh T.bộc bạch: “Khó nhất là quan niệm, như heroin tác hại nặng nề còn cần sa là thứ gì đó nhẹ nhàng, đâm ra nghĩ tác hại nó đơn thuần hoặc vô hại. Khi nó là ma túy rồi, mình hút nó vào sẽ kích thích thần kinh gây ra những ảo giác, tạo hưng phấn quá độ. Khi hết sử dụng nó rơi vào trạng thái buồn, dễ gây trầm cảm. Mình cũng trầm cảm 1 thời gian khi sử dụng nó, có nó thì vui không thì buồn, dần dần thấy cuộc sống vô vị. Đó là trải nghiệm dùng cần sa của mình”.

Sau những “vô vị” của ma túy, những học viên đã gần đi hết một hành trình trị liệu, học tập tìm lại chính bản thân mình để có thể đủ bình tĩnh bộc bạch những nỗi niềm riêng. 

Họ - đang dần xóa đi một phần quá khứ nông nổi để tìm lại ước mơ ngày nào và mục tiêu lẽ sống ngay sau khi bước ra khỏi cánh cửa Trung tâm cai nghiện. Hành trình tìm lại chính mình như thế nào?

- Kỳ 2: “Hành trình sau thức tỉnh”.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: