Tính giá điện như thế nào cho hiệu quả?

Tại hội thảo về Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức mới đây, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi (Bộ môn Kinh tế Năng lượng, Đại học Bách Khoa Hà Nội, chủ nhiệm Đề án) đã nêu 3 phương án tính giá đi

Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đưa ra 3 phương án

3 phương án cải tiến biểu giá điện bậc thang được PGS.TS. Bùi Xuân Hồi đưa ra cụ thể như sau: 

Thứ nhất là phương án 3 bậc thang. Bậc 1 từ 0 đến 100kWh/tháng. Bậc 2 từ 101 đến 400 kWh/tháng. Bậc 3 từ 401 kWh/tháng trở lên. Với phương án này, các hộ sử dụng điện từ 101 đến 200kWh/tháng sẽ phải trả chi phí tăng nhiều nhất. 

Thứ hai là phương án 4 bậc thang. Bậc 1 từ 0 đến 100 kWh; Bậc 2 từ 101 đến 300 kWh. Bậc 3 từ 301 đến 600 kWh. Bậc 4 từ 601 kWh trở lên. Tượng tự, với phương án này, các hộ sử dụng điện từ 101 đến 200kWh/tháng cũng sẽ phải trả chi phí tăng nhiều nhất. 

Thứ ba là phương án 5 bậc thang. Bậc 1 từ 0 đến 100 kWh. Bậc 2 từ 101 đến 200 kWh. Bậc 3 từ 201 đến 400 kWh. Bậc 4 từ 401 đến 700 kWh. Bậc 5 từ 701 kWh trở lên. Theo PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, đây là phương án phù hợp hơn cả: Đề án mà chúng tôi làm không phải là thay thế hoàn toàn một biểu giá mới, mà nó mang tính kế thừa, và số lượng bậc thang ít đi thì chúng tôi phải cân đối rất nhiều mục tiêu, rồi đánh giá tác động đến người tiêu dùng, đến EVN và đến xã hội. Cân đối các mục tiêu định giá thì chúng tôi cho rằng, trong việc điều chỉnh Quyết định 28 của Chính phủ, thì 5 bậc là phù hợp nhất.

Đề án gộp 2 bậc thang đầu lại. Đây chủ yếu là các đối tượng hộ chính sách, hộ nghèo và hộ cận nghèo tiêu dùng ít năng lượng. Về những tác động, ảnh hưởng tới các hộ tiêu dùng với đề án, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi lý giải: Đề xuất của chúng tôi có tính toán rất cụ thể. Nhìn nhận đưa ra một biểu giá là phải dựa trên cả hai phía sản xuất và tiêu dùng. Việc gộp bậc thang 1, bậc thang 2 thì chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ. Một là số lượng ở bậc thang 1 cũng giảm đi, và hai là khi gộp lại như thế thì chúng ta thấy là cái chênh lệch về mặt giá cả nó không nhiều. Và nó gần hơn với chi phí người tiêu dùng gây ra cho hệ thống. Đã là một biểu giá thì không thể thỏa mãn được tất cả mọi người. Chúng tôi chỉ đưa ra quan điểm là làm thế nào hài hòa nhất các mục tiêu định giá, và nhìn các khía cạnh khác liên quan đến người tiêu dùng, thu nhập của họ, chi tiêu của họ cho ngành điện.

Cần chọn ra cách tính nào ít ảnh hưởng nhất tới đa số người dân và đạt hiệu quả năng lượng

Theo GS,Viện sĩ, TS khoa học Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - lý tưởng nhất vẫn là phương án 3 bậc giá bán lẻ điện, trên cơ sở tính toán theo cung/cầu giờ cao điểm - giờ thấp điểm, và ngoài giờ cao điểm - giờ thấp điểm. Nghĩa là nhà cung ứng huy động điện vào giờ cao điểm giá nào thì bán ra giá đó và ngược lại. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng điện Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Nói về phương án biểu giá 5 bậc thang tại hội thảo, ông Trần Đình Long cho rằng: Đề án có đề xuất phương án 5 bậc thì bản thân tôi thấy hợp lý, là vì nó không quá phức tạp trong việc tính toán, lại dễ nhớ, và cũng đáp ứng được thực tế của hệ thống điện Việt Nam hiện nay. Chia 5 bậc được rồi, nhưng phải làm thêm là mức mỗi bậc bao nhiêu, xác định cho chính xác, hợp lý, cả đối với người tiêu dùng và đơn vị cung ứng. Đấy là việc mà phải tiếp tục làm.

Còn TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam - cho rằng, cần phải đưa ra cho được nguyên lý về giờ cao điểm - giờ thấp điểm trong cả huy động cũng như cung ứng cho người sử dụng: Tôi cho giờ cao điểm nó phải xuất phát từ cầu chứ không phải từ cung. Cái nhu cầu tối đa nó buộc ông ấy phải cung ứng tối đa. Thì phải xác định giờ cao điểm theo góc sản xuất hay góc tiêu dùng, nó rất quan trọng. Để ông điều tiết cái gì? Điều tiết tiêu dùng. Cho nên giờ cao điểm xác định đúng là phải theo xu hướng cầu.

Đa số chuyên gia phản biện cho Đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam” đều đánh giá cao kết quả Đề án mang lại, như một đề án đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về biểu giá điện của Việt Nam và có đối chiếu, so sánh với các nước trên thế giới, đặc biệt là đề xuất cần “luật hóa” chu trình điều chỉnh giá điện.

Song, các chuyên gia cũng cho rằng, nhóm cần nghiên cứu tác động của biểu giá điện đến chính sách phát triển năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời áp mái nói riêng và ngược lại. Bởi điều này sẽ tác động mạnh tới việc đầu tư, tiêu dùng cũng như chính sách phát triển hiệu quả điện mặt trời mái ở Việt Nam.