Tìm lời giải cho bài toán tiết kiệm năng lượng của Việt Nam

Các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%. Tuy nhiên, còn nhiều rào cản hiện hữu đối với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Chia sẻ tại tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách” ngày 19/8, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, 7 tháng đầu năm 2024, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam rất cao.

Cùng với đó, tăng trưởng về điện cũng đạt mức 14%, so với hơn 4% của năm 2023.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn

Theo ông Dũng, sử dụng năng lượng tiết kiệm đối với khu vực sản xuất có tác động rất lớn và đảm bảo vấn đề cung cấp đủ điện cho toàn xã hội. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong thực hiện tiết kiệm điện.

"Nhiều doanh nghiệp còn hạn chế về nhận thức, đôi khi chưa thực sự quan tâm tới vấn đề tiết kiệm điện. Một số không đủ năng lực, chưa tiếp cận được công nghệ hoặc khó khăn về mặt tài chính. Tôi đánh giá đây là khó khăn lớn của các doanh nghiệp. Thứ hai là nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng, chưa tối ưu hóa được dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất dẫn tới việc vẫn còn sử dụng năng lượng một cách lãng phí", ông Nguyễn Quốc Dũng nhận định.

Ông Dũng cho rằng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở các doanh nghiệp sản xuất rất là lớn. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể tiết kiệm khoảng từ 20-30% năng lượng sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp. Đánh giá của Bộ Công Thương thậm chí lên tới 30-35%. Đây là con số rất lớn về tiềm năng tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Toàn cảnh tọa đàm

Ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho rằng, năng lượng chiếm phần lớn trong cơ cấu giá thành của sản phẩm. Với cam kết trung hòa carbon, hiện Chính phủ cũng như các bộ, ngành ban hành rất nhiều chính sách liên quan đặc biệt là tiết kiệm năng lượng.

Đối với châu Âu, năm 2026 sẽ bắt đầu đánh thuế và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu.

“Chúng ta đang có những thách thức do các thị trường ở ngoài nước đặt ra. Đây cũng là cảnh báo với doanh nghiệp. Để tiết kiệm năng lượng hoặc giảm dấu vết carbon thì bài toán công nghệ đi liền các vấn đề liên quan đến nguồn lực đầu tư, từ trang thiết bị hạ tầng đến con người”, ông Đặng Hải Dũng nêu quan điểm.

Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian qua, nhiều chính sách đã được ban hành, đặc biệt là từ 2010 có Luật sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đến thời điểm này, đã có khoảng 16 thông tư, 2 nghị định và 2 quyết định Thủ tướng cũng như khoảng 34 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành liên quan đến tiết kiệm năng lượng.

Hiện các ngành công nghiệp của Việt Nam có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35% - Ảnh VGP

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Mạch Đình Khoa, Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam cho rằng, tiết kiệm năng lượng có tác động rất lớn với doanh nghiệp.

Có hai khía cạnh mà doanh nghiệp cần phải chú ý liên quan đến tiết kiệm năng lượng. Một là một số ngành, chi phí điện đang chiếm từ 15 đến 20% tổng giá thành sản xuất của mỗi sản phẩm. Với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì việc tối ưu hóa chi phí sản xuất, đồng thời có thể hạ giá bán sản phẩm hoặc giữ nguyên giá bán sản phẩm là việc rất quan trọng.

Doanh nghiệp nếu không có yêu cầu về tiết kiệm năng lượng sẽ dẫn đến chi phí tiếp tục tăng cao kéo theo giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Mặt khác, tiêu chuẩn của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang chú trọng đến việc thống kê và sử dụng phát thải carbon, nên khi sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng tốt, thông qua giảm khí thải carbon tốt sẽ là những tiền đề, những tiêu chuẩn quan trọng giúp doanh nghiệp có lợi thế hơn khi cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu.