Tiếp tục chi trả lương, trợ cấp BHXH gộp 2 tháng để đảm bảo phòng, chống dịch

Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được đầy đủ, kịp thời đảm bảo an toàn, phòng chống dịch, BHXH Việt Nam đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và BHXH 13 tỉnh, thành phố tổ chức chi trả

Bộ phận "Một cửa" BHXH tỉnh Hưng Yên (sáng 24/2) tiếp nhận và giải quyết chế độ cho người thụ hưởng. (Ảnh: Tâm Trung - Báo Nhân dân)

Những vấn đề này sẽ được làm rõ trong phần đối thoại giữa phóng viên VOVGT và ông Phạm Thanh Du - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

 

PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về việc tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 3 và tháng 4/2021 vào cùng một kỳ chi trả tại 13 tỉnh, thành phố?

Ông Phạm Thanh Du: Ngay sau khi xảy ra dịch COVID-19 thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành công văn số 396 về việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội gửi cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Bảo hiểm xã hội 13 tỉnh, thành phố bao gồm tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tp Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Hà Giang, Điện Biên, Bình Dương, Hải Phòng và Hưng Yên để thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 3 và tháng 4/2021 vào cùng một chi trả. 

Tại các địa phương không bị phong toả thì tổ chức chi trả theo phương thức định kỳ, phun khử khuẩn tại các điểm chi trả, trang bị khẩu trang, nước rửa tay, tăng cường nhân viên chi trả, bố trí thêm bàn chi trả, không để tập trung đông, thời gian chi trả trong 1 ngày thì phải đủ 8h/ngày và truyền thông cho người dân biết về phương án chi trả để lựa chọn, bố trí thời gian, địa điểm nhận tiền cho phù hợp.

Đối với người hưởng thuộc đối tượng cách ly tại nhà, trong vùng phong toả, cách ly y tế thì phối hợp với các cơ quan để có phương thức chi trả phù hợp với tình hình thực tế.

PV: Việc chi trả gộp sẽ đem lại hiệu quả như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Thanh Du: Việc gộp việc chi trả tiền lương tháng 3 tháng 4 vào cùng một chi trả tạo cho người hưởng những thuận lợi như: Giúp cho người hưởng thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc, đảm bảo giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn trong thời gian phòng, chống dịch.

Người hưởng được nhận đầy đủ, kịp thời tiền lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện ổn định cuộc sống và giảm bớt được một lần đi đến điểm chi trả.

Đối với các địa phương có nguy cơ dịch cao thì việc chi trả đến từng nhà sẽ mất nhiều thời gian hơn so với việc chi trả thông thường.

Do đó, việc chi trả 2 tháng tạo điều kiện cho cơ quan Bưu điện có thời gian để thực hiện chi trả kịp thời và chu đáo, an toàn thuận lợi cho việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

PV: Xin cảm ơn ông!