"Tiếp sức" cho người lao động

Việc công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp bị cho nghỉ việc vì công ty gặp khó khăn, không có đơn hàng để sản xuất đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương.

Các doanh nghiệp sau một thời gian dài cầm cự, vượt qua đại dịch COVID-19 giờ lại thấm đòn suy thoái kinh tế và lạm phát ở nhiều nước thế giới nên đành chấp nhận buông tay. Cho công nhân nghỉ việc với họ cũng là việc chẳng đặng đừng. Vì thực chất phải nhờ người lao động mà doanh nghiệp mới tồn tại đến hôm nay.

Người lao động, công nhân bấy lâu nay quen với công xưởng, nhà máy, dây chuyền sản xuất giờ thất nghiệp về quê rất hoang mang. Vì đất đai, ruộng vườn cũng không còn hoặc có cũng chưa biết phải làm gì vì thời vụ ngắn hạn này.

Trong khi nhiều người đã chấp nhận rời quê lên thành phố lập nghiệp. Vợ chồng, con cái trông cả vào đồng lương công nhân hàng tháng. Sinh hoạt đời sống,học hành của con cái, tiền nhà trọ giờ không biết lấy đâu khi việc làm bị cắt.

Cuối năm, tết nhất lại đến gần, hàng trăm thứ phải chi tiêu, khiến nhiều công nhân như ngồi trên đống lửa. Nhiều doanh nghiệp cũng đã hiểu được hoàn cảnh này nên thực hiện việc chi trả trợ cấp mất việc và các khoản phúc lợi khác khá đầy đủ. Nhưng có nơi cũng chỉ là những lời hứa suông vì doanh nghiệp cũng đang chật vật đứng bên bờ vực phá sản.

Thu hẹp sản xuất, cắt giảm tối đa lao động là cách mà các DN đang ứng phó để cầm cự

Mới đây, gói vay 10.000 tỷ đồng trong tổng số 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân đã được gấp rút triển khai để hỗ trợ nhanh nhất đến người lao động các khu công nghiệp trên toàn quốc.

Đây là một động thái tích cực của Liên Đoàn Lao động Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước cùng 2 tổ chức tài chính. Nhiều công nhân hy vọng sẽ tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi này để vượt qua cơn thắt ngặt; có chút vốn để xoay xở việc nhà dịp cuối năm.

Vấn đề lúc này là phải tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh bằng cách mở rộng thị trường; thực hiện hàng loạt các chính sách khoanh nợ, giãn nợ giúp doanh nghiệp có vốn đầu tư tái sản xuất.

Hiện nay, khi tất cả các ngân hàng đều đóng van tín dụng với các doanh nghiệp, nên nhu cầu khát vốn lên rất cao. Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có đơn kiến nghị, nếu bất động sản không có vốn để đóng băng sẽ kéo theo hệ lụy hàng loạt các ngành khác bị đình đốn, tác động đến hàng triệu lao động.

Các ngành như dệt may, da giầy, thủ công mỹ nghệ; kể cả linh kiện điện tử đình trệ vì khó tiếp cận thị trường, thiếu vốn cũng đẩy phần lớn người lao động vào thế thất nghiệp. Do việc điều hành chính sách linh hoạt về tài khóa; mở van tín dụng cho các doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất lúc này là cần thiết để duy trì công ăn việc làm cho công nhân.

Ngành gỗ và dệt may ảnh hưởng lớn nhất - một số ngành khác vẫn có nhu cầu tuyển dụng

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường thông qua việc xúc tiến thương mại, kết cấu nối cung cầu trong và ngoài nước.

Đối với các doanh nghiệp buộc lòng phải cắt giảm cũng cần thực hiện đầy đủ chế độ lương thưởng, trợ cấp mất việc, thôi việc để hoàn trả xứng đáng những gì mà công nhân đã đóng góp.

Người lao động trong lúc khó khăn do sản xuất bị đình đốn vì chiến tranh, dịch bệnh cũng cần bình tĩnh, đồng hành cùng doanh nghiệp để đồng lòng vượt qua.

Cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể, hội nghề nghiệp theo sát diễn biến tình hình của công nhân khu vực mình để có các chính sách an sinhh kịp thời hỗ trợ người lao động, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Đây chính là sự “tiếp sức” thiết thực nhất cho người lao động trước làn sóng cắt giảm nhân sự cuối năm hiện nay.