Tiền thôi chưa đủ

Có thể thấy, việc phát triển được và phát triển thành công mạng lưới xe buýt tại TP.HCM cần rất nhiều động thái quyết liệt, trong đó tiền nói chung và tiền trợ giá cho xe buýt nói riêng là chưa đủ

Xe buýt vẫn là loại hình vận tải công cộng ưu tiên phát triển ở TP HCM trong 10 năm tới. Ảnh:Người lao động

Công bằng mà nói thì xe buýt nhiều năm qua đã cơ bản giải quyết được nhu cầu đi lại của người dân, nhất là người thu nhập thấp tại các đô thị.

Tuy vậy cũng cần phải thừa nhận rằng hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt ở TP.HCM nói riêng và nước ta nói chung vẫn còn manh mún, rườm rà, thiếu hiệu quả. Mô hình quản lý, vận hành hoạt động của xe buýt hiện nay không khác gì “ăn đong từng bữa”, thiếu chuyên nghiệp nhưng lại thừa bất cập, vướng mắc.

Nhiều ý kiến cho rằng con số hơn 1000 tỷ đồng mà TP.HCM phải chi hàng năm để trợ giá cho xe buýt không khác gì “ném tiền qua cửa sổ” vì sản lượng hành khách “giảm đều, giảm đều” qua các năm, trong khi bức tranh tổng thể của hệ thống xe buýt vẫn chỉ là một thực thể lộn xộn với gam màu tối làm chủ đạo.

Cần xác quyêt rằng trợ giá gần như là điều đương nhiên để duy trì hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã và đang tiếp tục bơm tiền, thậm chí bơm nhiều tiền hơn nữa để nuôi sống mạng lưới xe buýt, phục vụ tối đa nhu cầu đi lại cho người dân.

Nói ra để thấy con số hơn 1000 tỷ đồng mỗi năm mà TP.HCM hay Hà Nội dùng để trợ giá cho xe buýt vẫn chưa thấm là bao so với kỳ vọng về 1 hệ thống giao thông công cộng hiện đại, hiệu quả.

Tuy vậy, để giao thông công cộng nói chung, xe buýt nói riêng trở thành trụ đỡ chính tại các đô thị thì tiền thôi là chưa đủ.

Điều quan trọng hơn theo chúng tôi là một tư duy sắc bén hay một sự kiên định, vững vàng từ phía những người làm quản lý để dũng cảm vượt qua tâm lý “ngại đụng chạm, sợ đương đầu” tồn tại bấy lâu nay.

Dù khá chua xót nhưng cần phải thừa nhận rằng, xe buýt tại các đô thị không khác gì đứa trẻ nuôi hoài không lớn.

Nên vóc nên hình bằng mạng lưới cơ sở hạ tầng được gầy dựng tốn nhiều công sức, được nuôi sống bằng “nguồn sữa” trợ giá hơn 1000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng đứa trẻ ấy vẫn không thể lớn.

Nếu cứ tiếp tục “nuôi con bằng ý của người khác” như bao năm qua thì đừng trông chờ đến ngày đứa trẻ ấy khôn lớn tự trở nên đóng góp nhiều cho xã hội.

Đã đến lúc, phát triển hệ thống xe buýt cần thực hiện từ gốc, vun xới ngay từ ban đầu, thay vì ăn xổi ở thì như hiện nay.