Tiềm ẩn tai nạn từ Đáy hàng khơi trong luồng đường thủy nội địa

Nghề đóng đáy hàng khơi để đánh bắt cá trên các dòng sông, kênh rạch đã gắn bó lâu đời với người dân miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng hình thức khai thác thủy sản này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn giao thông đường thủy.

Do vậy, để vận động ngư dân di dời đòi hỏi chính quyền và các cơ quan liên quan cùng vào cuộc và có những chính sách hỗ trợ ngư dân kịp thời.

Nghề đóng đáy hàng khơi để đánh bắt cá trên các dòng sông, kênh rạch đã gắn bó lâu đời với người dân ền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nông nghiệp

Đáy là loại ngư cụ được làm bằng lưới, đóng đáy là hình thức dùng cây cắm làm trụ, cột đáy căng ra trên sông. Thời điểm để đặt đáy là lúc thủy triều xuống nhằm đón những luồng cá tôm ra biển, khi con nước chuẩn bị lớn là lúc bắt đầu tháo đáy thu hoạch. Đây được xem là sinh kế truyền thống của ngư dân đồng bằng sông Cửu Long hàng trăm năm qua, nhưng trong phạm vi đường thủy nội địa thì có lúc, có nơi, hình thức này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn giao thông thủy .

Vào lúc 0h ngày 22/9/2022, một chiếc sà lan biển số CM-24080 đã va chạm với cửa van khoang KL2 của cống Cái Lớn, thuộc hệ thống thủy lợi ngăn mặn – trữ ngọt Cái Lớn – Cái Bé, tỉnh Kiên giang. Vụ va chạm làm một người tử vong. Đến ngày 7/4/2023, cũng tại vị trí này, cũng xảy ra một vụ va chạm giữa sà lan biển số AG -22973 với cửa van số 11.

Ông Lê Tự Do, Giám đốc Chi nhánh ĐBSCL Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam – đơn vị quản lý vận hành và khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé cho biết: "Khi xảy ra các vụ va chạm thì chúng tôi đã tiến hành các biện pháp: Lắp đặt bổ sung thêm các camera giám sát ở khu vực công trình, lắp thêm đèn chiếu sáng tại các cửa van. Tăng cường công tác tuần tra".

Đánh giá từ ngành chức năng địa phương, ngay từ khi đưa vào sử dụng, phía thượng và hạ lưu cống Cái Lớn (nằm giáp ranh giữa huyện An Biên và huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đã tồn tại hàng đáy dài cả chục mét nằm chắn ngang tuyến đường lưu thông chính, buộc tàu thuyền phải tránh né, đi sai luồng, gây mất an toàn giao thông khi qua cống. Đơn vị quản lý, vận hành cống Cái Lớn đã nhiều lần kiến nghị di dời nhưng chưa thành công.

Thượng tá Đỗ Quốc Việt – Phó trưởng Công an huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang cho rằng cần tìm những giải pháp triệt để: "Hàng đáy đang chắn ngang cửa van KL5, KL6, tàu thuyền đi đến đó né hàng đáy này ra thì sẽ chệch hướng chỗ hai cửa van chính. Chúng ta cần bàn đến biện pháp để xử lý di dời hàng đáy này. Nhưng theo tôi biết, có những gia đình họ chỉ sống nhờ vào hàng đáy này. Vậy chúng ta nên bàn lại, nên có mức hỗ trợ để di dời hàng đáy này hay không?"

Đáy là loại ngư cụ được làm bằng lưới, đóng đáy là hình thức dùng cây cắm làm trụ, cột đáy căng ra trên sông

 Sông Cái Lớn là tuyến đường giao thông thủy huyết mạch, nhiều tàu thuyền tải trọng lớn lưu thông từ nội đồng ra cửa biển Tây và ngược lại. Mặc dù thực tế đã bộc lộ nhiều nguy cơ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến hàng đáy này, song Ông Đinh Văn Ngoan – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III cho biết, đơn vị gặp không ít khó khăn khi giải quyết : "Theo Nghị định 08, trong luồng và hành lang luồng thủy nội địa không được phép tồn tại các công trình hoặc chướng ngại vật. Không được cấp phép cho nên Cục Đường thủy nội địa không thể nào đặt biển cảnh báo tại khu vực hàng đáy này. Chúng tôi đã đề xuất địa phương nên phối hợp giải tỏa, đóng đáy liên quan đến vấn đề dân sinh, muốn di dời thì phải có hỗ trợ nhưng địa phương chưa làm được".

Ông Trần Công Danh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết đã nhận được phản ánh về sự bất cập của các hàng đáy án ngữ phía thượng và hạ lưu cống Cái Lớn. Tuy nhiên, để xử lý tháo dỡ hay di dời hàng đáy đi nơi khác, Sở sẽ xin ý kiến UBND tỉnh để có biện pháp xử lý.

Để giảm thiểu  rủi ro tiềm ẩn nguy hiểm khi các phương tiện đi sai luồng qua hệ thống Cái Lớn – Cái Bé, trước mắt, Ban quản lý vận hành và khai thác công trình sẽ thay thế các biển chỉ dẫn kích thước lớn giúp chủ phương tiện dễ quan sát. Đồng thời, tăng đèn chiếu sáng vào ban đêm tại các cửa van để tàu, thuyền nhận biết và đi theo luồng an toàn.

Thượng tá Đỗ Quốc Việt – Phó trưởng Công an huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang cho biết: "Chúng tôi sẽ tuyên truyền trực tiếp bằng ệng thông qua công tác tuần tra kiểm soát và phát tờ rơi. Khi phương tiện tới, đề nghị phương tiện xem kỹ sơ đồ để đi cho đúng, tránh va chạm".

Thời gian tới, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, Sở GTVT, Phòng cảnh sát giao thông đường thủy hai địa phương huyện An Biên và Châu Thành cũng sẽ nỗ lực tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy đến các chủ phương tiện và cả ngư dân đóng hàng đáy trên sông.