Thưởng thức món ngon: Ốc hồ Tây

VOVGT - Trong thực đơn quà sáng, quà chiều của các cô, các chị không thể thiếu món bún ốc, cháo trai, ốc luộc nóng, trai xào lá răm...

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Bản thân Hồ Tây không nhiều ốc, nhưng từ khi thành lập xí nghiệp thủy sản Hồ Tây và nuôi những giống cá mới như trắm cỏ, mè, trôi thì nhân viên xí nghiệp xuống các vùng chiêm trũng như hà nam, thái bình mua ốc về cho cá ăn.

Mặc dù là thức ăn cho cá nhưng ốc vẫn sinh sôi nảy nở. Hàng ngày những người đi mò ốc ở Hồ Tây vẫn có thể kiếm được vài chục cân.

Ốc Hồ Tây rất ngon, nó hợp nước, hợp đất, hợp bùn rất ngon. Và cho đến bây giờ, sáng sáng trên đường Xuân La vẫn thấy người ta mang bán những con thủy sản rất nhỏ mà người ta khai thác được ở trên Hồ Tây mang đi bán.

 Ốc Hồ Tây rất ngon vì hợp nước, hợp đất, hợp bùn

Đó là những chuyện riêng có ở Hồ Tây bởi vì bây giờ ốc hay những con ếch nhái gần như là không còn bởi vì ruộng đồng bị thu hẹp, bị phun thuốc sâu nên ốc của Hồ Tây bây giờ càng trở nên có giá trị.

Thậm chí là tất cả những người bán ốc trên địa bàn Hà Nội ngày nay ko phải là ốc của Việt Nam nữa mà người ta nhập ốc từ Campuchia và Thái Lan về, vì thế cho nên, khi những người mò ốc, cào ốc ở Hồ Tây mà bán thì gần như họ ko phải ngồi lâu. Chỉ cần bày ra 1 lúc là có ng đến mua hết, nhiều ng muốn mua nữa cũng ko có. Và cho đến ngày hôm nay, dù Hồ Tây cũng đã bị ô nhiễm nhưng ốc Hồ Tây vẫn được coi là sản vật mới của Hồ Tây cho đến ngày hôm nay.

Ốc Hồ Tây là giống ốc đá xanh, mỏng vỏ, dày thịt và thơm ngon. Chừng 5-7 năm về trước thôi, người Hà Nội vẫn còn được chứng kiến và quen với cảnh hàng đoàn người dầm mình dưới hồ cào ốc. Người ta ước tính, khi ấy mỗi ngày lượng ốc khai thác lên tới 5-6 tấn.

Ốc được bán ngay tại bờ, nhưng đông nhất và nổi tiếng nhất là chợ ốc làng Võng Thị - Xuân La. Dân sành điệu thường lên tận đây để chọn mua ốc về chế biến những món ăn đặc sản Hà thành như bún ốc, ốc hấp lá gừng, ốc luộc, chấm mắm gừng….

Thú vị và ly kỳ nhất là câu chuyện xảy ra cách đây mấy năm, Hồ Tây vướng nghi án "ốc không vẩy". Quá nhiều những mẻ ốc bắt lên từ dưới hồ trông "trần trụi" như là ốc luộc, không có lớp vảy che ệng. Hiện tượng lạ lùng đó khiến báo chí hoài nghi nước hồ ô nhiễm đến nỗi thủy sản... biến dị. Các kỹ sư thủy sản quản lý hồ đã xác nhận rằng ốc không vảy chỉ là một loại ốc đá "du nhập" vào hồ gần đây. Chúng có tốc độ sinh sản quá nhanh nên không tích luỹ đủ can-xi để hình thành lớp vỏ.

Hồ Tây đã được đầu tư rất lớn làm kè bờ, làm đường dạo, tách nguồn nước thải để có điều kiện trở thành một bể bơi sinh thái khổng lồ, lộ thiên. Tuy nhiên hàng năm chúng ta vẫn phải chứng kiến cá trên hồ bị chết hàng loạt. Việc khai thác, phát huy nhiều giá trị tiềm năng của hồ Tây thì vẫn còn để ngỏ.

Người Hà Nội không thể mãi ra Hồ Tây chỉ để ăn bánh tôm Hồ Tây, đạp vịt và chạy bộ tập thể dục. Toàn bộ mặt nước Hồ Tây hầu như không mang lại giá trị dịch vụ gì ngoài nguồn thủy sản mà giờ đây đang bị tác động nghiêm trọng.

Hiện tượng cá chết Hồ Tây có thể sẽ được giải quyết sau vài ngày. Nguyên nhân có thể được tìm ra sau khoảng một tuần lấy mẫu xét nghiệm.Có thể là hiện tượng bất thường của tự nhiên? Có thể là ô nhiễm cục bộ? Dù gì đi nữa thì nó cũng là đánh thức sự quan tâm trở lại của Hà Nội với một thiên đường mặt nước ở ngay trong nội thành này.

Ốc Hồ Tây trong quá khứ từng bị dính vào nghi án "ốc không vẩy"

Trước đây, vào những buổi sớm có thể thấy vài người đàn ông, đàn bà lội bì bõm bắt ốc, bắt trai ở những góc hồ nhưng từ khi nguồn thủy sinh bị thay đổi, trai ốc của hồ gần như cạn kiệt, lại cộng thêm những lo lắng về nguồn nước ô nhiễm, bóng dáng những người lao động lam lũ, cần cù ấy gần như mất hẳn đi…

Người ta bảo bến Hàn Quốc là do đám thanh niên mê hip-hop đặt. Lúc tảng sáng ngày hè, sen thoang thoảng đưa hương. Con đường bê tông vui mắt bởi vô số hình vẽ theo lối graffity ngồ ngộ. Cạnh đó có một nhóm gồm toàn phụ nữ, họ đang chuẩn bị ăn sáng, tất cả đều nhanh nhẩu.

Nồi cơm trắng bốc hơi nghi ngút, chiếc mâm đặt giữa chỉ sơ sài bát nước mắm, đĩa cá tép rang khô và bát lạc rang muối. Các chị trong nhóm giải thích “Người xuống nước phải ăn nhiều nước mắm phòng cảm lạnh”, một chị khác nói thêm: “Ăn sáng thường không có canh, ăn khô cho chắc bụng để ngụp lặn đến trưa”.

Công việc đã cho những người phụ nữ quê mùa này có tác phong của người lính sống trong doanh trại, rất khẩn trương và thuần thục. Đến giờ chuẩn bị xuống nước, nào giỏ, giậm, khăn bịt mặt, quần dài buộc chặt gấu chống đỉa, rồi không ai bảo ai, họ đi thành một hàng lặng lẽ...

Thời điểm này, những nhóm bắt ốc, trai ở các khu trọ khác cũng lục tục kéo về. Họ từ những khu nhà trọ An Dương, Quảng An, xóm Mới (Long Biên) xóm Bãi (Chương Dương, Bạch Đằng)... Từng nhóm đi bộ hoặc xe đạp. Đa phần họ là những người tỉnh lẻ, cùng thôn cùng làng, quen nếp ăn, nếp ở, ra Hà Nội cùng thuê trọ với nhau thành nhóm, nên dễ đồng lòng trong công việc và sinh hoạt. Một chị quê ở Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ chân tình rằng:

 

Từ 5 giờ sáng, nhiều quãng góc Hồ Tây bắt đầu nhộn nhịp, cuộc ngụp lặn kéo dài 2 - 3 giờ đồng hồ. Nhiều người ham ngâm mình dưới nước đến trưa. Người mua buôn cũng đã tụ về điểm hẹn trên bờ ngóng đợi. Công việc của các chị cũng có lúc ngưng nghỉ, một đôi lần lên bờ dỡ trai ốc từ chiếc giỏ đeo bên hông cũng là giây phút được nghỉ giải lao.

Ngâm mình dưới nước vài giờ đồng hồ nên chóng đói, tranh thủ họ ăn lót dạ, người mang cơm nắm, người mua vội cái bánh hay nắm xôi của những người bán dạo quanh bờ.

Ốc Hồ Tây vẫn được coi là sản vật của Hồ Tây cho đến ngày hôm nay.

Các chị vui vẻ kể: "Mỗi người hàng ngày cần cù kiếm cũng được vài chục ngàn, tiền trăm thì khó lắm, phải là những người đàn ông siêng năng và cần cù. Của trời cho mà, vun vén nên hàng tháng chị em cũng dành dụm được năm đến bảy trăm nghìn đồng gửi về gia đình nuôi con ăn học". Lên bờ là cách nói của các chị khi mọi việc đã xong xuôi, họ gom hàng và trực tiếp đưa đến những cửa hàng kinh doanh thủy sản, có khi là các nhà hàng, tránh được cảnh phải bán non ngay trên bờ, giá vừa bèo lại bị ép.

Bắt ốc có thể mò tay hoặc bằng đánh giậm, việc này phụ nữ thường quen bởi họ cần cù. Bắt trai không khó nhưng phải giỏi bơi nên cánh đàn ông có lợi thế hơn.Trước vì cơm áo, sau vì ham, được ít muốn được nhiều và nhiều hơn, thế là thành nghề. Không như những người đi câu, nghề mò trai ốc không chia thứ hạng hay phải tranh giành, có lẽ do cùng cảnh ngộ nên họ dễ đồng cảm với nhau. Hơn chục năm gắn chặt với sóng nước Hồ Tây, các chị chưa từng gặp cảnh xô xát chia vùng làm ăn của những người làm nghề bắt trai ốc ở đây bao giờ.

Sau khi những người mò trai ốc Hồ Tây lượm lặt được thành quả họ mang xuống đoạn phố trên đường Lạc Long Quân và đường hồ mới kè để bán cho những người đi tập thể dục hoặc đi làm về. Chợ mọc từ 4 giờ chiều cho tới khi trời nhá nhem trở về tối, đủ cả con bống con tôm, cái trai cái ốc...Có những con trai to bằng hai bàn tay người lớn.

Một con trai có thể vừa xào lá răm với khế, lại vừa nấu được một nồi cháo đặc ngậy. Những người bán hàng có khi vẫn vận luôn bộ quần áo mới từ dưới nước đi lên. Chẳng cần phải mời chào nhiều, tự khắc khách hàng tìm tới như một món quà bình dị cuối ngày, vừa đủ để giúp họ nhớ lại một thuở vàng son của ốc và thủy sản Hồ Tây:

 

Trong thực đơn quà sáng, quà chiều của các cô, các chị không thể thiếu món bún ốc, cháo trai, ốc luộc nóng, trai xào lá răm... Hơn cả phận “trai ốc” bé mọn, những con ốc, con trai Hồ Tây đã theo tay những người một nắng hai sương giữa mênh mang sóng nước để "hồn nhiên leo, bò" lên mâm sản vật của mảnh đất Hà Thành vốn kén chơi, sành ăn một cách giản dị như thế.

Bức tranh hồ Tây xưa và nay luôn đẹp cũng bởi mảng màu cuộc sống mưu sinh luôn sống động và đong đầy cảm xúc như thế.