Thương hiệu truyền thống: Tồn tại hay không tồn tại

VOVGT - Trước áp lực cạnh tranh lớn khi hàng loạt doanh nghiệp ra đời, các thương hiệu truyền thống từng giữ thế độc tôn buộc phải thay đổi để tồn tại.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Có lẽ, khi nhắc tới những cái tên như kem Thủy Tạ, giầy Thượng Đình, bóng đèn phích nước Rạng Đông hay diêm Thống Nhất… thì những người sinh ra ở thế kỷ 20 không ai là không biết tới.

Sau hàng chục năm, sự xuất hiện của hàng trăm thương hiệu trong và ngoài nước khiến áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, thế nhưng, bên cạnh những “ông lớn” hết thời lâm vào cảnh lao đao, cầm cự qua ngày thì vẫn còn một vài thương hiệu Việt vang bóng một thời “sống tốt” nhờ hướng đi đúng đắn.

Công ty Diêm Thống Nhất đã chuyển hướng sang sản xuất và kinh doanh bật lửa

Một điểm sáng phải nhắc tới đó là Diêm Thống Nhất. Trong thập niên 70-80 của thế kỳ trước, Diêm Thống Nhất từng được coi là niềm tự hào của ngành công nghiệp nhẹ, sản phẩm diêm Thống Nhất chiếm lĩnh gần như 100% thị phần đánh lửa tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, sản phẩm diêm dần trở nên lạc hậu, ngày càng ít được sử dụng, những tưởng, Diêm Thống Nhất sẽ “dừng bước” nhường chỗ cho những doanh nghiệp đi sau.

Thế nhưng, nhờ sự nhanh nhạy, bắt kịp xu hướng tiêu dùng, Công ty CP Diêm Thống Nhất chủ động chuyển hướng kinh doanh sang sản xuất, phân phối bật lửa. Nhờ vậy, sau hơn nửa thế kỷ xuất hiện, ngọn lửa Thống Nhất vẫn tiếp tục được thắp sáng.

Chia sẻ về sự chuyển hướng mang tính bước ngoặt này, ông Hoàng Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thống Nhất cho biết:

 

“Sản phẩm bật lửa an toàn Thống Nhất của công ty ra đời từ năm 2014, đã nhanh chóng làm hài lòng người tiêu dùng. Lượng sản phẩm của công ty đã tăng liên tục qua các năm từ 1,6 triệu chiếc/năm trong năm đầu tiên, sau đó tăng lên 5,2 triệu chiếc/năm, 8,5 triệu chiếc/năm và hiện tại Diêm Thống Nhất bán được gần 10 triệu bật lửa/năm”.

Một thương hiệu vang bóng một thời khác cũng vẫn “sống khỏe” giữa áp lực của thị trường là Rạng Đông. Đứng trước sự cạnh tranh không ngừng của các mặt hàng mới, các dòng sản phẩm chủ lực như bóng đèn dây tóc nhanh chóng trở nên lỗi thời, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã kịp thời chuyển hướng sang phát triển sản phẩm đèn LED và ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Nếu như năm 2014, công ty mới chỉ bán được 600.000 sản phẩm thì qua từng năm, sản lượng bán ra tăng lên đều đặn, đến năm 2017, công ty đã tiêu thụ được 17 triệu sản phẩm.

Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông

Ông Đỗ Hải Triều, Trưởng phòng Marketing thị trường, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông cho rằng: Bí quyết để Rạng Đông có thể đứng vững trước áp lực mạnh mẽ của thị trường chính là việc mạnh dạn đổi mới, nắm bắt nhu cầu thị trường, đầu tư chất xám và khoa học công nghệ.

 

“Quan điểm của chúng tôi là không sản xuất những sản phẩm giá rẻ mà sản xuất những sản phẩm có chất lượng và giá cả cạnh tranh. Muốn có giá cả cạnh tranh thì không còn con đường nào khác là việc ứng dụng khoa học công nghệ. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện chiến lược “một trục, hai cánh”, tức là một trục là con người, còn hai cánh là khoa học công nghệ và khoa học quản trị. Qua đó, rút ngắn công đoạn, giảm 7 lãng phí trong sản xuất, tập trung sản xuất những sản phẩm có thế mạnh thì giá thành trên từng đầu sản phẩm sẽ giảm đi”.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa – Miliket với thương hiệu mỳ 2 tôm nổi tiếng mặc dù không còn có thể chiếm lĩnh thị trường mỳ gói như những năm 70-80 của thế kỷ trước nhưng cũng vẫn trụ vững nhờ “biết người, biết ta”.

Không đủ sức cạnh tranh với các đối thủ nhiều tiền, thương hiệu “mỳ 2 tôm” tập trung vào thị trường nông thôn, người thu nhập thấp và phân phối sản phẩm cho các quán lẩu, hàng ăn, nhờ vậy mà chưa năm nào công ty phải báo lỗ từ hoạt động kinh doanh, trong nhiều năm liên tiếp “mỳ 2 tôm” vẫn duy trì hoạt động và báo lãi đều đặn hàng chục tỷ đồng.

Có thể nói, thương hiệu lâu năm, được nhiều người biết đến và tin yêu là một lợi thế mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để giữ vững được niềm tin của khách hàng và vị thế của thương hiệu trên thị trường chính là việc không ngại thay đổi, nắm bắt xu thế tiêu dùng, đầu tư công nghệ và chất xám để không bị thụt lùi, và hơn hết là coi chất lượng sản phẩm như “sinh mạng” của doanh nghiệp.