'Thủ phủ' sản xuất khẩu trang (bài 1): Không giấy phép, không vô trùng, không găng tay, không đủ điều kiện nhà xưởng

Ghi nhãn “ngăn mùi và khói bụi”, nhưng lại kèm trên vỏ hộp hình ảnh lá chắn chống vi khuẩn, người mặc trang phục bảo hộ đeo sản phẩm, dễ gây liên tưởng tới các nhân viên y tế; và có thêm dòng mô tả: “Sử dụng hiệu quả khi lưu thông trên đường hay làm việc

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
 

Video: Môi trường sản xuất thiếu đảm bảo, lập lờ tính năng sản phẩm tại một cơ sở ở Bắc Ninh

Hiện nay trên thị trường, người tiêu dùng đang đứng trước “ma trận” khẩu trang với đủ mọi mức giá. Để tìm hiểu rõ hơn nguồn gốc xuất xứ, cũng như tiêu chuẩn chất lượng của các loại khẩu trang được tung ra thị trường, nhóm phóng viên VOV Giao thông đã khảo sát tại xã Xuân Lai (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) - nơi được coi là “Thủ phủ” sản xuất loại sản phẩm này tại ền Bắc.

Gần đây, lực lượng chức năng các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Bình, Gia Lai… liên tiếp phát hiện và xử lý các vụ sản xuất, kinh doanh hàng trăm nghìn khẩu trang giả, khẩu trang kém chất lượng.

Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhu cầu khẩu trang trong nước vẫn rất cao, một số thính giả bày tỏ e ngại: thực trạng nhiễu loạn của thị trường khẩu trang sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Cơ sở sản xuất khẩu trang ở Bắc Ninh

“Người ta như thế là làm ăn thất đức. Vì khẩu trang bảo vệ tính mạng con người, ngăn ngừa bệnh tật, phải có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn”

“Mình mua là vào hiệu thuốc mua thôi chứ cũng chẳng biết là giả hay thật. Giờ muốn làm nghiêm thì chỉ có bên y tế kiểm tra các nhà thuốc và làm mạnh tay thôi.

“Giờ đang Covid, muốn đeo khẩu trang để phòng bệnh mà giờ lại không tác dụng gì thì quá nguy hiểm”

Nhằm tìm hiểu thực tế, nhóm phóng viên VOV Giao thông đã khảo sát tại xã Xuân Lai (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), nơi được coi là “Thủ phủ” sản xuất loại sản phẩm này tại ền Bắc.

Sáng 11/8/2020, có mặt tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH may mặc K.A. (đóng trên địa bàn thôn Phúc Lai), nhóm phóng viên ghi nhận tại đây có 8 công nhân đang thực hiện các công đoạn dập vải, đập lót, thêu chữ, điều khiển dây chuyền tự động, đóng gói.

Các công nhân đều đeo khẩu trang, nhưng 100% không đeo găng tay bảo hộ, tất cả công đoạn đều dùng tay trần, xưởng không có phòng vô trùng.

Thực trạng nhiễu loạn của thị trường khẩu trang sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Có 2 loại khẩu trang được công ty K.A. sản xuất, gồm: Khẩu trang vải sợi hoạt tính (khẩu trang thông thường dùng được nhiều lần) và khẩu trang 4 lớp vải không dệt (có ngoại hình giống khẩu trang y tế và chỉ dùng 1 lần).

Đáng chú ý, khẩu trang 4 lớp của công ty K.A. ghi nhãn “ngăn mùi và khói bụi”, nhưng lại kèm trên vỏ hộp hình ảnh lá chắn chống vi khuẩn, người mặc trang phục bảo hộ đeo sản phẩm, dễ gây liên tưởng tới các nhân viên y tế. Ở bên hông hộp có thêm dòng mô tả: “Sử dụng hiệu quả khi lưu thông trên đường hay làm việc trong bệnh viện, môi trường công nghiệp hiện đại”.

Điều này trái với hướng dẫn về lựa chọn và sử dụng khẩu trang theo Quyết định số 1444/QĐ-BYT ngày 29/3/2020 của Bộ Y tế. Cụ thể, hai loại khẩu trang y tế và khẩu trang vải kháng khuẩn dành cho nhân viên y tế đều cần đạt các tiêu chuẩn khắt khe như các Tiêu chuẩn quốc gia 8389 và tiêu chuẩn theo Quyết định 870 của Bộ Y tế.

Trong khi đó, chủ cơ sở K.A chỉ có giấy đăng ký kinh doanh, không cung cấp được bất cứ giấy tờ nào liên quan tới việc được cấp phép sản xuất khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn:

“Giấy tờ như khẩu trang vải thì chỉ đăng ký hộ kinh doanh để làm. Khẩu trang 1 lớp thì cũng có giấy phép kinh doanh. Làm thông thường thôi, nếu mà làm khẩu trang y tế thì nhiều cái phải liên quan đến. Mình không đủ điều kiện để làm”.

Công nhân đang gia công khẩu trang

Khi được phóng viên gặng hỏi, chủ cơ sở này ngầm khẳng định, có thể sản xuất được cả khẩu trang kháng khuẩn, nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng, vì “rất lằng nhằng” về thủ tục và chắc chắn không đủ điều kiện nhà xưởng: “Khẩu trang 4 lớp cơ sở mình sản xuất có chức năng kháng khuẩn hay không? Cái này chắc phải có, vì cơ sở dệt đều có gửi test kháng khuẩn đầy đủ. Phải có chứ. Cơ sở mình nhập nguyên liệu từ đâu? Từ công ty trong Sài Gòn”

Lý giải về việc dán mác “cao cấp” với loại khẩu trang vải thông thường, chủ cơ sở K.A cho biết, đó là định lượng của cá nhân chứ không theo bất cứ quy chuẩn nào. Chính người này cũng cho biết, giá thành tại xưởng lại không hề “cao cấp”, chỉ 42 nghìn đồng/ chục khẩu trang vải; 2 triệu đồng/thùng khẩu trang 4 lớp.

“Như vậy là để cho khách hàng phân biệt loại tốt, loại rẻ, loại xấu. Khách hàng tiêu dùng muốn loại rẻ có loại rẻ, loại đắt có loại đắt”, người này nói

Mỗi ngày, riêng cơ sở K.A. bán ra tới 17 thùng, tương đương 42.500 khẩu trang 4 lớp, phân phối khắp thị trường các tỉnh từ Bắc vào Nam. Và nếu nhân con số này với hàng chục, thậm chí cả trăm cơ sở sản xuất trên địa bàn xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh thì thật khó tưởng tượng mỗi ngày sẽ có bao nhiêu khẩu trang không đảm bảo chất lượng được “tuồn” ra thị trường?

Sự nhập nhèm, “đánh tráo” khái niệm, tính năng, ngoại hình so với khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang y tế của chủ cơ sở sản xuất khẩu trang K.A đã và đang gây khó khăn trong việc “nhận diện” và phân biệt đối với người tiêu dùng.

---

Mời các bạn lắng nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 13/8 tại đây: