Thu hồi xe máy cũ nát: Không nên nóng vội

Bộ TN&MT vừa có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải, trong đó yêu cầu đẩy nhanh việc thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Yêu cầu đẩy nhanh việc thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường (Ảnh nh họa)

Riêng đối với Hà Nội, TP.HCM, Bộ yêu cầu đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, bên cạnh đó là việc thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường.

Đối thoại với phóng viên, Ths.Phan Thỵ Tường Vi, giảng viên Khoa luật, Trường ĐH Văn Lang cho rằng, vấn đề thu hồi xe máy cũ nát cần có lộ trình, không nên nóng vội.

PV: Thưa bà, dưới góc độ pháp lý, đề nghị thu hồi xe máy cũ nát cần được nhìn nhận như thế nào?

Ths.Phan Thỵ Tường Vi: Chính sách đó là đúng đắn nhưng cần lộ trình để thực hiện. Lộ trình đó đầu tiên phải có cơ sở pháp lý vững chắc để không ảnh hưởng đến người dân.

Bạn hãy để ý những chiếc xe quá đát thường là những xe chuyên chở đúng không, nó là cần câu mưu sinh của mỗi gia đình. Hiện giờ chúng ta không có một quy định nào về đăng kiểm đối với khí thải dành cho phương tiện giao thông cơ giới.

Ví dụ như đi ngoài đường, mình thấy cái xe đó thải khí đen, thì đúng là mình thấy đó, nhưng lấy cơ sở nào để nói rằng lượng khí thải đó nó đang gây ô nhiễm, để chúng ta nói rằng phương tiện này không đủ điều kiện để lưu thông?

Vấn đề thứ hai, thu hồi thì xét theo luật dân sự, đó là tài sản hợp pháp của người dân. Bây giờ nếu không đạt chuẩn thì có thể xử phạt họ thôi. Còn bây giờ dùng từ “thu hồi” thì nó phải có sự trao đổi.

PV: Và xử lý xe sau thu hồi là cực kỳ nan giải phải không thưa bà?

Ths.Phan Thỵ Tường Vi: Nó nan giải ở chỗ, đầu tiên đó là kho bãi chứa. Cứ cho rằng có kho bãi chứa đi nữa, thì nó sẽ trở thành một đống sắt vụn. Và đống sắt vụn đó nó có khả năng là chất thải nguy hại nữa.

Chất thải đó có lượm lặt được cái gì để trở thành phế liệu hay không. Hay là phải xử lý triệt để. Chi phí xử lý đó lấy ở đâu ra?

Cho nên đừng làm theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”, tức là chúng ta đi thu hồi cho đã sau đó lại đem ra một cái đống đó. Và nó chẳng có một ý nghĩa gì.

Vì tận cùng của vấn đề là vừa kiểm soát lượng khí thải, vừa phải giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: