Thói quen để lại tiền trên xe khi đăng kiểm

Một trong những việc làm quen thuộc dịp cuối năm của các bác tài là đi đăng kiểm phương tiện. Câu hỏi luôn nhận được nhiều quan tâm và thảo luận sôi nổi nhất trên các diễn đàn xe cộ là, liệu có phải để lại tiền trên xe?

 

Một trong những việc làm quen thuộc dịp cuối năm của các bác tài là đi đăng kiểm phương tiện. Điều này nhằm tận dụng khoảng thời gian rảnh, tránh đợt cao điểm cận Tết, trước các ngày nghỉ lễ, khi phương tiện đến các trung tâm kiểm định rất đông.

Câu hỏi luôn nhận được nhiều quan tâm và thảo luận sôi nổi nhất trên các diễn đàn xe cộ là, liệu có phải để lại tiền trên xe? Đa số người hỏi câu này là những tài mới, ít có kinh nghiệm đi đăng kiểm. Một số khác thuộc giới “độ” xe, thích lắp đặt thêm các thiết bị “đồ chơi”.

Họ thiếu tự tin vào khả năng vượt qua các bài test kiểm định, đồng thời, bị ảnh hưởng bởi một định kiến rằng, cứ đi đăng kiểm là phải “làm luật”, thì mọi sự mới hanh thông, thà bỏ ra một ít tiền lẻ để không bị vướng vào rắc rối.

Bên cạnh một số ý kiến khuyên các bác tài “cứ theo luật mà làm”, cũng có rất nhiều ý kiến phản đối việc để lại tiền trong xe. Họ cho rằng, đây là hành vi hối lộ, có thể tạo nên một thói quen xấu cho các nhân viên đăng kiểm.

Nguy hại hơn, những chiếc xe không đảm bảo điều kiện kỹ thuật, nhưng vẫn được “nhắm mắt cho qua”, đăng kiểm thành công và lăn bánh trên đường, chúng có thể là mối nguy cơ đe dọa sự an toàn của chính người lái và những người xung quanh.

Ảnh nh họa

Thực tế, vài năm trở lại đây, ngành đăng kiểm sau khi được xã hội hóa đã tạo nên sức ép cạnh tranh lớn, làm thay đổi diện mạo thị trường theo hướng tích cực. Một trong những chuyển biến lớn là thay đổi phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên đăng kiểm.

Ở các trung tâm, đã xuất hiện những tấm bảng lớn kèm theo số điện thoại đường dây nóng được đặt ở các vị trí dễ quan sát, đề nghị “Khách hàng kiểm tra kỹ tài sản trước khi rời xe, tuyệt đối không để lại tiền trên xe”.

Những vòi vĩnh, tiêu cực từ hoạt động đăng kiểm cũng được giám sát chặt bằng camera quan sát, hệ thống loa phát thanh cảnh báo. Động thái này nhằm ngăn những khoản tiền bồi dưỡng, hối lộ, có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng quá trình kiểm định.

Như vậy, chính các trung tâm đăng kiểm đã có câu trả lời rõ ràng cho những băn khoăn về việc có nên để lại tiền lẻ trên cabin xe. Thay cho những lưỡng lự đó, các bác tài nên tập trung vào việc chăm sóc, bảo dưỡng phương tiện thật tốt trong quá trình sử dụng và trước thời điểm hết hạn đăng kiểm.

Nếu đã lỡ lắp thêm thiết bị không có trong thiết kế ban đầu như: đèn led bar công suất cao, còi hơi, giá nóc, cản trước và sau bằng kim loại, ống thở lấy gió, lốp sai kích thước… các bạn cần tháo ra trước khi đi đăng kiểm.

Về lâu dài, việc sử dụng các thiết bị không có trong thiết kế ban đầu nhưng không làm thay đổi kết cấu, tính năng vận hành của xe thì vẫn được đăng kiểm. Nhưng với những thiết bị như vừa nêu, chủ phương tiện không những sẽ bị từ chối đăng kiểm, mà còn có nguy cơ bị xử phạt nặng theo Nghị định 100./.