Thở dài phận nghèo long đong, bao giờ hết dịch để qua cơn bĩ cực

Những ngày này, người ta thấy một Sài Gòn thật khác. Sài Gòn rực rỡ, Sài Gòn sôi động hôm nào, giờ đang thu mình lại như tiếng thở khẽ khàng trên từng tuyến đường, con hẻm.

Dòng người thưa vắng. “Cơn bão” COVID-19 khiến cho những người lao động nghèo ở Sài Gòn chật vật hơn, vất vả hơn, như chị ve chai, anh bán vé số, người thợ hồ…

 

Phóng sự video: Phận nghèo long đong mùa dịch

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Một chiều giữa tháng 6, PV VOVGT ghé thăm một xóm trọ nghèo tại phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức.

Ở đây có gần 60 lao động đang cư ngụ trong những căn nhà trọ xập xệ chèn chống bằng những tấm tôn thủng lỗ chỗ.

Chập tối, cái nóng hừng hực cuối ngày vẫn phả vào khiến chủ khách đều ngột ngạt.

Chị Võ Thị Ánh Phụng (51 tuổi), người mẹ nghèo với đứa con sống ở khu trọ này đã hơn 10 năm. Lúc chưa có dịch, chị lựa ve chai, đi bán nước, làm phụ hồ, sơn nước. Cuộc sống khó khăn đắp đổi qua ngày, no dồn đói góp.

Hơn 4 năm trước, người phụ nữ mất đứa con trai vì tai nạn giao thông, chị quệt nước mắt nén đau hiến tạng con mình cho Y học.

Rồi cứ thế thời gian bẵng đi, chị cứ mải ết mưu sinh nuôi cậu con trai thứ hai. Căn phòng trọ bé như hộp diêm với những tấm ván gỗ làm giường, ọp ẹp.

Từ ngày áp dụng chỉ thị 15 gần như chị Phụng ở nhà “ngồi chơi xơi nước”.

“Có đồng bạc nào đâu. Không có làm gì ra tiền đâu. Giờ đi đâu cũng không được, ở nhà cũng không xong. Tiền ăn tiền uống giờ nói chung là không còn tiền bạc gì nữa hết. Bà chủ nhà hôm qua mới cho được 5 chục ngàn. Còn 2 chục ngàn nữa, cầm cự được mấy ngày”, chị Phụng nói.

Dãy trọ nằm kế bên một khu cách ly, toàn bộ công nhân dường như không thể nhúc nhích.

Ông Nguyễn Văn Nay - chủ dãy trọ (78 tuổi), cầm ra cuốn sổ với cái “sớ” ghi nợ nào muối, dầu ăn, gạo, bột ngọt: "Anh em ở đây ở khu vực ền Tây, đa số là dân lao động. Giờ tụi tui có gì, tụi tui bán nấy. Ví dụ như hột vịt, hột gà… Anh em người ta khó khăn quá thì cho mua chịu, từng nào người ta có người ta trả. Nhà trọ ở đây cho thuê không cao, tầm 700 ngàn – 800 ngàn. Anh em người ta bảo không có tiền thì mình cũng giúp người ta thôi chứ không có tiền mình bắt người ta trả sao được".

Đi thẳng vào “tâm dịch” Gò Vấp, nơi có chuỗi lây nhiễm liên quan đến điểm nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, phố xá bắt đầu lên đèn sau ngày nới lỏng giãn cách.

Len lỏi vào những con hẻm sâu nép mình là những nhà trọ bao dung những phận đời “mắc kẹt” giữa tâm dịch.

Con hẻm “ve chai” 474 Dương Quảng Hàm (phường 6, Gò Vấp) với đa số người dân lao động ngoài ền Bắc dạt vào kiếm sống với nghề ve chai sống qua ngày.  

Căn phòng trọ của vợ chồng bà Sại vừa đủ cẳng chân chật hẹp và ẩm thấp, nền gạch sụt lún, mưa xuống là lội nước: “Hồi xưa ngày được 200 ngàn. Giờ có hôm không được đồng nào. Đi được đâu thì đi, có hôm nằm ở nhà cả ngày. Nói chuyện ăn uống với cô thì vô bờ lắm. Có hôm, có quả trứng cũng xong”.

Dọc con đường Dương Quảng Hàm là hàng loạt những con hẻm sâu hun hút, bên trong là những dãy trọ nơi bà con lao động nghèo tá túc để mưu sinh. Chỉ tầm 20 giờ tối, những căn phòng đều cửa đóng then cài.

Dưới ánh đèn leo lét, bóng của vợ chồng bà Sại đổ xuống, đang lụi cụi lót dạ bữa cơm tối muộn.

Tất cả thinh lặng đến lạ, thi thoảng mới nghe được chút tiếng người…như thể tiếng thở khẽ khàng của bà Sại ve chai….

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: