Thính giả VOVGT nói gì về đề xuất tăng phí 'cứu' doanh nghiệp BOT của Bộ GTVT

Đề xuất tăng phí ‘cứu’ doanh nghiệp BOT của Bộ GTVT mới đây vấp phải sự phản đối từ các chuyên gia, doanh nghiệp vận tải cũng như dư luận xã hội.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc tăng phí BOT trong bối cảnh đang "kiệt quệ" vì dich Covid-19 là không hợp lý. Ảnh: plo.vn

Liên quan tới đề xuất tăng phí BOT của Bộ GTVT; Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cụ thể ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động về đề xuất nêu trên.

Trước đó, theo thống kê của Bộ GTVT, hiện nay có 58/60 dự án BOT đạt doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính. Trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50%. Để hỗ trợ các doanh nghiệp BOT gặp khó khăn trong hoạt động, nhất là giảm doanh thu do dịch COVID-19, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ 2 phương án tăng phí BOT giao thông.

Theo đó, phương án 1 cho phép tăng phí theo hợp đồng dự án, giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng chi phí vận tải. Phương án 2 giữ nguyên mức phí, chỉ tăng theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Song nhà nước phải bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá.

Đề xuất này của Bộ GTVT lập tức gặp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận. Nhiều người đặt vấn đề: Có hay không việc Bộ GTVT đang đẩy cái khó cho người sử dụng dịch vụ chỉ vì để cứu các trạm BOT giao thông đang còn trong vòng nghi vấn về sự chưa nh bạch.

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều thính giả của VOV Giao thông đã thẳng thắn gửi ý kiến bày tỏ quan điểm. Thính giả Nguyễn Trung Thành cho biết: “Doanh nghiệp BOT mong manh quá. Kế hoạch thu phí đưa ra lúc nào cũng từ 5-10 năm thậm chí hơn. Vậy mà chỉ vài tháng cách ly đã cần giải cứu”.

Còn theo thính giả Lê Thái Hiền, các đơn vị BOT cũng là doanh nghiệp hoạt động trên thị trường. Trong kinh doanh, những thời điểm lãi, lỗ là chuyện bình thường, không thể cứ khi nào lỗ thì kêu giải cứu, hỗ trợ: “Về góc độ người dân thì khó chấp nhận bởi lượng xe năm nào cũng tăng, do đó, nguồn thu BOT cũng tăng theo. Trong đầu tư kinh doanh phải có lúc được lúc mất. Như các doanh nghiệp đầu tư khi lỗ thì họ phải bỏ tiền túi ra chịu trận. Vậy tại sao đơn vị BOT không thể như vậy”.

Đồng tình quan điểm trên, thính giả Quân Hà cho rằng nên để doanh nghiệp BOT sống đúng theo quy luật thị trường và cạnh tranh thương mại, công bằng như nhiều doanh nghiệp khác. Nhà nước không nên bao bọc, hễ gặp khó khăn là lại bù lỗ như vậy.

Thính giả Nguyễn Văn Đức nêu ý kiến, nên hỗ trợ các doanh nghiệp BOT bằng cách gia hạn thêm thời gian thu phí để bù vào khoảng thời gian bị ảnh hưởng khi thực hiện giãn cách xã hội: “Theo tôi, nên giữ nguyên mức phí BOT hiện nay, chỉ tăng thêm thời gian kinh doanh hoàn vốn theo phương pháp khấu trừ, bằng với thời gian thực hiện giãn cách xã hội”.

Theo phân tích của các chuyên gia, tăng giá vé qua các trạm thu phí BOT trong thời điểm này sẽ tác động lên cả nền kinh tế

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ van An toàn giao thông quốc gia cho rằng: "Trong hợp đồng BOT chắc sẽ có những điều khoản điều chỉnh về những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc điều chỉnh theo hướng nâng giá thu phí thì tôi cho rằng không ổn và bất hợp lý. Bởi nâng giá thì sẽ kéo theo giá thành vận tải và các sản phẩm sẽ đội lên thì người dân vẫn là người phải trả. Trong khi chúng ta đang phải hỗ trợ cho toàn dân để phục hồi kinh tế".

Theo phân tích của các chuyên gia, tăng giá vé qua các trạm thu phí BOT trong thời điểm này là đồng nghĩa với tăng giá thành vận chuyển, rồi lại được tính vào giá hàng hóa, đẩy giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng cả nước tăng cao trong bối cảnh cả xã hội đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Như vậy là sẽ tác động lên cả nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến: "Tăng hoặc giảm hoặc thu phí BOT không thể tự tiện đề nghị là được. Cần căn cứ vào các cơ sở pháp lý đồng thời phải được giải trình nh bạch. Tuyến nào, địa điểm nào, mức hợp đồng là bao nhiêu và tại sao lại nâng. Tất cả phải được công khai và đánh giá đúng".

Trong khi đó, ông Lê Trung Tín - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM cho rằng: Doanh nghiệp BOT về bản chất cũng là 1 loại hình doanh nghiệp. Và bản chất của doanh nghiệp trong kinh doanh là “lời ăn lỗ chịu”, hà cớ gì Bộ GTVT lại quá sốt sắng tìm cách hỗ trợ các chủ đầu tư BOT đến như vậy?

“Chúng tôi vừa mới kiến nghị là nên cân nhắc giảm chi phí qua các trạm BOT nhằm giúp ngành vận tải sớm phục hồi. Trong khi việc giảm chưa được thực hiện thì Bộ GTVT lại đề nghị tăng phí BOT là một điều mà giới vận tải chúng tôi thấy bất bình. Theo tôi, nếu đề xuất được thông qua là một tai hại cho ngành vận tải", ông Tín bày tỏ.

>>> Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT: Đừng thêm củi vào lò đang cháy 

>>> Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đánh giá đề xuất tăng phí cứu doanh nghiệp BOT

>>> Tăng giá thu phí BOT thời điểm này là chưa hợp lý