Thiếu thuốc, người bệnh BHYT khó trăm bề, các tỉnh phía Nam lo bùng dịch

Tình trạng thiếu thuốc đang diễn ra tại rất nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước và kéo dài suốt nhiều tháng, khiến cho cả công tác điều trị lẫn y tế dự phòng đều đang gặp khó khăn. Trong đó, thiệt thòi nhất vẫn là các bệnh nhân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

10h sáng 15/6, tại quầy cấp thuốc bảo hiểm y tế, Bệnh viện E (Hà Nội), ông Bùi Văn Quản, ở Cầu Giấy, Hà Nội đi khám tiểu đường và lấy thuốc định kỳ. Tuy vậy, khác với mọi khi, lần này ông Quản chỉ được cấp 1/3 loại thuốc được kê, 2 loại thuốc còn lại được hướng dẫn ra ngoài mua, vì bệnh viện đã hết: 

"Tôi mua bảo hiểm vì tôi sợ bệnh đau thì tôi mua để có thuốc tôi uống, mà giờ thiếu thuốc thì tôi không có tiền", ông Quản chia sẻ.

Chị Bùi Thị Vân, một bệnh nhân rối loạn tiền đình khám bảo hiểm y tế tại bệnh viện E cũng rơi vào tình trạng tương tự khi phải ra ngoài mua 1 trong 3 loại thuốc được kê theo đơn: "Không có thuốc, bây giờ bác sĩ cho đi mua thì cũng buồn, nhưng bệnh phải đi mua. Trong bệnh viện chỉ phải trả mấy phần trăm là mua được, còn ra ngoài phải trả 100% luôn".

Bệnh nhân chờ cấp thuốc BHYT tại Bệnh viện E Hà Nội.

Một lãnh đạo Bệnh viện E thừa nhận, đó là tình hình chung tại nhiều bệnh viên và Bệnh viện E đang cố gắng tối đa để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, nhất là với bệnh nhân khám bảo hiểm y tế.

Bác sĩ Ngô Văn Vinh, Trưởng khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nam Thăng Long (Hà Nội) cũng cho biết, tình trạng thiếu thuốc tại bệnh viện xảy ra từ đầu năm 2022. Trong số hơn 80 danh mục thuốc và vật tư y tế cần thiết cho riêng khoa cấp cứu đã thiếu 3-4 danh mục, nhất là với những chế phẩm gây nghiện, thuốc giảm đau, gây ngủ để chữa những bệnh liên quan đến co giật, giảm đau, giảm ho… Mặc dù Bệnh viện Nam Thăng Long đã sử dụng đến những thuốc được sản xuất trong nước, song, hiệu quả điều trị chắc chắn bị ảnh hưởng:

"Khi thiếu những mặt hàng thiết yếu cơ bản thì chúng tôi cũng có những sản phẩm ở trong nước có tác dụng, công năng tương tự. Tất nhiên nó cũng không thể bằng những cái chính phẩm nhập khẩu hay của các nhà cung ứng khác thì chúng tôi cũng đã vận dụng", bác sĩ Ngô Văn Vinh cho biết.

Người dân chờ cấp phát thuốc BHYT tại BV Chợ Rẫy (TP. HCM)

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch  -tổng hợp, BV Chợ Rẫy (TP. HCM) cho biết, trong số nhiều loại thuốc còn thiếu tại bệnh viện, các loại thuốc ghép thận đã đấu thầu và đã kịp cung ứng cho người bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn những loại thuốc biệt dược đang thiếu vì không có người tham gia đấu thầu:

"Trước mắt sẽ đấu thầu sang loại thuốc cùng hoạt chất, cái đó có nhà tham gia rồi và đã đấu thầu rồi nhưng hiện nay thuốc chưa về được, chắc khoảng 1 tháng nữa mới về được. Tuy nhiên, thời gian qua, trong quá trình hoạt động, đương nhiên có những trường hợp đấu thầu bị rớt thầu hoặc không có nhà tham gia, nhưng có trên thị trường buôn bán", bác sĩ Phạm Thanh Việt cho biết.

Đặc biệt, nhiều tỉnh phía Nam đang căng thẳng vì dịch sốt xuất huyết, song hiện nay cả thuốc điều trị và sinh phẩm hóa chất cho y tế dự phòng đều thiếu.

Tại Hội nghị tăng cường phòng chống dịch Sốt xuất huyết phía Nam do Bộ Y tế tổ chức mới đây, lãnh đạo Trung tâm Phòng chống bênh tật các tỉnh đều lo lắng trước tình trạng này.

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Phòng chống bênh tật tỉnh An Giang đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ hóa chất diệt muỗi và dung dịch dịch cao phân tử, vì cả hai loại này tỉnh An Giang đang rất thiếu: "Hiện nay, chúng tôi cũng đang cho các huyện chỉ định thầu, chỉ định thầu mà rút gọn dưới 100 triệu để các huyện tự mua hóa chất để tự xử lý trong giai đoạn trước mắt nóng bỏng này. Mong rằng Bộ Y tế cố gắng hỗ trợ thêm về hóa chất chống dịch. Thứ hai là dịch cao phân tử cầm cự chỉ 1-2 tháng nữa thôi, những 2 tháng nữa là dịch bùng lên". 

Lãnh đạo một số bệnh viện và Trung tâm phòng chống bệnh tật một số địa phương cũng cho biết, dịch sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm, nhu cầu về hóa chất và thuốc đặc trị đang rất cấp thiết. Nếu tình trạng thiếu thuốc kéo dài, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.