Thiết bị nhận dạng tàu cá, có cũng như không

VOVGT - Hiện 100% thiết bị nhận dạng tự động ở Bà Rịa-Vũng Tàu chưa phát huy tác dụng do chưa được đồng bộ hóa với hệ thống định vị của các cơ quan chức năng...

Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hiện có hơn  6.200 tàu cá, hầu hết các tàu đều trang bị hệ thống nhận dạng tự động (AIS). Thiết bị này rất hữu hiệu cho việc trao đổi thông tin giữa những tàu cá với nhau, giúp các cơ quan chức năng kiểm tra thông tin, vị trí của tàu cá khi bị nạn.

Tuy nhiên, hiện 100% các thiết bị này ở BR-VT chưa phát huy tác dụng do chưa được đồng bộ hóa với hệ thống định vị của các cơ quan chức năng.

Hầu hết tàu cá của BRVT đều không thực hiện đúng quy định về thiết bị AIS         

Hệ thống AIS là hệ thống nhận dạng tự động, được lắp đặt trên các phương tiện hoạt động trên biển. Hệ thống AIS cho phép tàu phát hiện các tàu xung quanh mình, tránh va đâm và giữ thông tin liên lạc. Hiện nay, đa số các tàu biển, tàu cá, nhất là các tàu đánh bắt xa bờ đều có thiết bị này.

Điều đáng nói là phần lớn các chủ tàu cá thường tự mua thiết bị AIS trôi nổi ngoài thị trường và tự cài đặt. Một số người còn mua AIS từ nước ngoài về nên đã xảy ra tình trạng AIS có nhưng không có mã nhận dạng dịch vụ lưu động hàng hải (MMSI) của Việt Nam (MMSI có 3 số đầu tiên là 574 thuộc mã quốc gia Việt Nam).

Điều này đồng nghĩa AIS không phát huy tác dụng khi sử dụng mã số tàu nước ngoài, khiến việc nhận định, xử lý thông tin của cơ quan chức năng về các tàu không chính xác, nhất là trong trường hợp trợ giúp cho các tàu cá khi gặp sự cố trên biển.

Trong hơn 6.200 tàu cá ở BR-VT, đến thời điểm này chỉ có 10 tàu cá chuyển mã MMSI và được đồng bộ với thiết bị nhận dạng của cơ quan chức năng.

Ông Đỗ Thiên Bình, Phó chủ tịch UBND phường 5, TP Vũng Tàu cho biết, hiện trên địa bàn phường có hơn 340 tàu cá, hầu hết đều trang bị thiết bị nhận dạng AIS nhưng số ngư dân thực hiện chuyển mã quốc gia Việt Nam là rất ít: “Trang thiết bị này thì bà con tự mua để gắn vào, khi lắp vào thì không đồng bộ với trạm bờ, nếu khi sự cố xảy ra khó liên lạc tìm đúng vị trí. UB phường đã kiến nghị với TP Vũng Tàu về vấn đề này, bà con nên trang bị đồng bộ để trạm bờ liên lạc được khi gặp sự số”.

 

Việc không đồng bộ mã định vị Việt Nam sẽ khó khăn cho công tác quản lý và hỗ trợ cứu nạn

Qua tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân ngư dân không mặn mà với việc chuyển mã quốc tế Việt Nam (MMSI) có phần để giấu ngư trường. Nhiều chủ tàu, thuyền trưởng khi phát hiện vùng biển nhiều cá, tôm... thường chỉ thông tin đến một hoặc vài tàu bạn cùng khai thác vùng biển này. Việc để nhiều tàu khác biết vị trí ngư trường đánh bắt là điều không mong muốn của các chủ phương tiện cũng như thuyền trưởng.

Ông Huỳnh Cấy, một chủ tàu cá ở phường 5, TP Vũng Tàu cho biết, hành nghề ở ngư trường xa như Trường Sa thì việc trang bị máy AIS rất hữu ích. Máy này giúp cho cơ quan nhà nước biết được tàu thuyền của ngư dân mình đang ở đâu, hoạt động ở vùng biển nào. Tuy nhiên, việc đầu tư thiết bị và đồng bộ thì không có nhiều chủ tàu áp dụng, vì sợ bị tàu khác phát hiện ngư trường của mình.

Ông Cấy nói: “Làm nghề biển hiện nay là đúng như vậy. Do mình không đồng bộ chứ còn ai cũng như nhau mà nghe theo anh em đi biển thì rất là hữu ít. Cho nên đề nghị bà con nên đồng bộ, lỡ trường hợp mình có tai nạn thì người ta biết được mình ở đâu người ta cứu giúp. Vấn đề này là lợi cho mình mà mình không làm là do mình thôi”.

 

Theo Cơ quan cứu nạn hàng hải, tàu cá trang bị AIS và đồng bộ nhận dạng mã quốc tế Việt Nam rất thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan chức năng cũng như hỗ trợ rất nhiều cho việc tìm kiếm cứu nạn hàng hải. Ngược lại, trường hợp ngư dân không thực hiện việc chuyển mã quốc tế Việt Nam (MMSI), nếu gặp sự cố thì rất khó xác định tàu của ngư dân Việt Nam vì trên bản hải đồ sẽ thể hiện tàu nước ngoài bị nạn.

Ông Lương Trường Phi, Phó giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực III nói: “Nếu như tàu có trang bị mà ngư dân không đăng ký AIS theo quy định của nhà nước thì hoàn toàn chúng ta sẽ gặp khó khăn. Mặt khác thiết bị này còn liên quan đến vấn đề an ninh của các cơ quan quản lý nhà nước về an ninh cảng biển. Qua việc đó thì chính chúng ta cũng đã vi phạm về các quy định của nhà nước trong việc đăng ký sử dụng thiết bị AIS này”.

 

Vì muốn độc quyền ngư trường nhiều chủ phương tiện đã sai đúng quy định 

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Đài Thông tin Duyên hải Vũng Tàu (Vũng Tàu Radio) cho hay, nếu ngư dân đã đầu tư thiết bị nhận dạng từ nước ngoài mà chưa có mã số nhận dạng thì việc cài đặt lại không mất nhiều thời gian và công sức: “Các hệ thống nhận dạng tự động phần lớn do ngư dân tự trang bị, hiện nay đa số chưa được trang bị mã số nhận dạng. Các số nhận dạng này đã được thông báo và cung cấp ễn phí. Ngư dân có thể đến các Đài thông tin duyên hải địa phương để khai báo và được cấp ễn phí trong vòng 3 – 5 ngày”.

 

Hiện chưa có quy định bắt buộc trang bị thiết bị nhận dạng AIS trên tàu cá. Tuy nhiên, để giúp các cơ quan chức năng quản lý tàu thuyền cũng như hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trên biển thì việc trang bị AIS là cần thiết và cần hơn nữa là ngư dân đã trang bị AIS cho tàu thì đăng ký sử dụng mã nhận dạng quốc tế Việt Nam. /.