Thị trường xăng dầu trước áp lực hài hòa lợi ích

VOVGT – Thị trường xăng dầu đang rất cần một chính sách linh hoạt để đảm bảo lợi ích của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bài toán hài hòa lợi ích

Ảnh nh họa

Tại Hội thảo “Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế” diễn ra ngày 16/5, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ cho rằng, một vấn đề lớn đang được đặt ra cho các cơ quan hoạch định chính sách tài chính, đó chính là việc xử lý phần hụt thu ngân sách trong lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, bởi đây là nguồn thu quan trọng đóng góp cho phát triển đất nước.

Thị trường xăng dầu Việt Nam chịu áp lực bởi cam kết quốc tế và của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã cam kết. Tính đến thời điểm hiện nay (2017) mức tiêu thụ xăng dầu vào khoảng 16 triệu m3 tấn, sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 40%, còn lại 60% phải nhập khẩu.

Theo ông Ruệ, với cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu về mức 0% vào năm 2024, việc vận hành thị trường xăng dầu trong nước đang rất cần một chính sách dài hơi, linh hoạt để đảm bảo lợi ích của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

“Với nguồn thu thuế từ xăng dầu chiếm tới 7% như hiện nay, ngân sách của nhà nước sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng khi thuế nhập khẩu xăng dầu về mức 0%”, ông Ruệ cảnh báo. Trước mắt, theo ông Ruệ cần điều chỉnh, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu phù hợp với thực trạng hiện nay.

Đồng quan điểm này, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng chỉ ra những bất cập trong sắc thuế xăng dầu hiện nay.

Theo ông Tuyển, với lộ trình cam kết giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các FTA khác nhau như hiện nay, doanh nghiệp sẽ tìm cách nhập khẩu từ thị trường có thuế suất theo từng mặt hàng thấp nhất. Cũng không loại trừ tình trạng có những doanh nghiệp sẵn sàng trả giá cao hơn để hưởng mức thuế nhập khẩu thấp. Khi đó, người bán nước ngoài hưởng lợi, nhà nước thì giảm nguồn thu còn người tiêu dùng thì bị thiệt, ông Tuyển nhấn mạnh.

Tăng thuế nội địa để bù nguồn thu?

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ủng hộ đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu - Ảnh Tuổi Trẻ

Tại Hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Phan Thế Ruệ cũng bày tỏ quan điểm, cần sớm điều chỉnh thuế nội địa với mặt hàng xăng dầu theo hướng tăng dần, trong đó ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước.

Theo ông Ruệ, động thái này cũng nhằm bù đắp cho việc giảm thuế nhập khẩu về 0% theo cam kết hội nhập thời gian tới đây, nhưng mức tăng cần có lộ trình cụ thể. “Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu vẫn không thay đổi, giá vẫn thế vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế”, ông Ruệ nói.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cần phải có cái nhìn tổng quát hơn khi tính tới việc tăng thuế bảo vệ môi trường.

“Theo tôi với những sản phẩm đầu vào thì phải có tư tưởng bao đồng hơn, không thể chỉ tính vòng 1 chặn luôn mà phải tính làm sao thu bền vững. Nghĩa là, đầu vào thì “ăn" ít thôi để vòng 2 sản xuất phát triển. Khi thuế giảm sẽ giúp thị trường tăng cung, sản xuất nhiều hơn, giá thành những sản phẩm thụ hưởng từ xăng dầu sẽ rẻ hơn, giải quyết công ăn việc làm bền vững. Như vậy, tới vòng 3 ta mới thu bền vững”, ông Thoả nói.

Về phía Bộ Công Thương, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Võ Văn Quyền cho biết, đề xuất điều chỉnh khung thuế môi trường từ mức 1.000-4.000 đồng/lít như hiện nay lên mức 4.000-8.000 đồng/lít cũng sẽ phải tính đến sức chịu đựng của nền kinh tế. Khung là giới hạn cho phép, còn mức điều chỉnh cụ thể sẽ được Chính phủ tính toán cẩn thận để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên.