Thị trường bán lẻ hướng tới phương thức kinh doanh đa phương tiện

VOVGT - Trong thời đại công nghệ 4.0, các nhà bán lẻ cần phải thay đổi phương thức kinh doanh theo hướng đa phương tiện để bắt kịp xu thế mới.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Các nhà bán lẻ cần phải thay đổi phương thức kinh doanh theo hướng đa phương tiện để bắt kịp xu thế mới.

Các chuyên gia nhận định: Hiện nay, thị trường bán lẻ của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, kênh bán kẻ hiện đại chiếm hơn 25%; xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đang thay đổi và đa dạng cùng với sự phát triển của công nghệ.

Chính vì thế, các nhà bán lẻ cũng cần phải thay đổi phương thức kinh doanh theo hướng đa phương tiện để bắt kịp xu thế mới.

Thị trường bán lẻ Việt Nam luôn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với lượng dân số hơn 93 triệu dân.

Minh chứng là trong những năm gần đây nước ta đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đầu tư các chuỗi phân phối hàng hoá ngoại nhập tại Việt Nam, có thể kể đến các nhà đầu tư từ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Tây Ban Nha,... thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trẻ tuổi, người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.

Theo khảo sát tại các Trung tâm thương mại của Savills, người tiêu dùng Việt Nam đang có sự thay đổi về hành vi tiêu dùng trong năm 2017 - 2018 so với hai năm trước đó.

Trong những năm gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, theo xu hướng kết hợp giữa hai hình thức mua sắm truyền thống và trực tuyến.

Chị Lan Anh (30 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội), chia sẻ vài năm gần đây chị có thói quen mua sắm quần áo, mỹ phẩm, đồ ăn và cả sữa, bỉm cho con thông qua các trang bán hàng online, thay vì phải đến trực tiếp từng cửa hàng để lựa chọn món đồ cần mua.

 

“Nếu có thời gian thì tôi vẫn đến tận cửa hàng chọn đồ cho cẩn thận nhưng nói thật là tôi thường mua sắm trực tuyến hơn vì tiết kiệm thời gian và có vô vàn lựa chọn”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trong thời đại 4.0 hiện nay, xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ thời gian tới là bán hàng đa phương tiện, đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng, tiện ích cho người tiêu dùng.

Do vậy, các nhà bán lẻ cần chú trọng đầu tư vào công nghệ, tiếp thị số và các ứng dụng bán hàng online để dễ dàng tiếp cận với khách hàng, tự động hóa việc giao, nhận hàng để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thuận lợi nhất cũng như làm gia tăng sự thích thú cho người mua hàng khi có nhu cầu mua sắm.

Theo đó, doanh nghiệp có thể tìm hiểu nhu cầu, thói quen mua sắm của khách hàng thông qua công nghệ, mạng xã hội (zalo, facebook...). Đặc biệt, các nhà bán lẻ cần xây dựng hệ thống mua sắm đa kênh, tích hợp nhiều hình thức mua sắm cùng một lúc. Vì trên thực tế, người tiêu dùng thường tìm kiếm thông tin trên internet nhưng lại vào cửa hàng xem sản phẩm và mua hàng trực tuyến, sau đó đánh giá sản phẩm trên mạng xã hội.

Được biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, bán hàng qua điện thoại di động chiếm đến 60 - 70% doanh thu ngành bán lẻ. Thậm chí, các nhà bán lẻ còn phát triển cửa hàng ảo, tạo ra xu hướng không tìm hàng tại cửa hàng truyền thống mà tất cả thông tin đều thông qua internet.

Đồng thời, các nhà bán lẻ trong nước phải có những sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương để tạo sự khác biệt. Bên cạnh đó, tập trung hơn trong việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới, trở thành địa điểm văn hóa, giải trí, trải nghiệm và trưng bày thay vì là nơi mua sắm đơn thuần như trước đây. Hiện nay, một số nhà bán lẻ nước ngoài đã khá thành công với mô hình này tại Việt Nam.

Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sài Gòn Co.op cho biết xu hướng phát triển thời gian tới của đơn vị:

 

“Mình tập trung vào chất lượng hàng hóa, đặc biệt hàng thực phẩm hóa tươi sống; phải tận tình, tận tâm phục vụ, đưa hàng hóa phù hợp với nhu cầu của người Việt Nam, hộ gia đình Việt Nam. Đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ mới vào quá trình điều hành”.

Việt Nam đang trong giai đoạn thuận lợi để phát triển ngành bán lẻ. Đáng chú ý là, hiện nay nhóm người tiêu dùng trẻ đang dẫn dắt thị trường và nhu cầu về các phương thức mua sắm, giao nhận hàng nhanh, thuận tiện là rất lớn. Vì vậy, các nhà bán lẻ không nên phân biệt bán lẻ online hay offline mà phải tích hợp mô hình bán lẻ đa kênh để đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.