Thế nào là đèn nhận diện ban ngày?

Việc trang bị đèn nhận diện góp phần không nhỏ đến việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, người dùng cần tránh nhầm lẫn đèn nhận diện là đèn chiếu pha/cốt khi sử dụng...

Hiện tại Châu Á chỉ còn Việt Nam, Campuchia và Myanmar chưa quy định bắt buộc trang bị đèn chiếu sáng ban ngày cho xe máy

Trong những ngày gần đây, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi có quy định yêu cầu bật đèn chiếu sáng xe máy ngay cả khi di chuyển vào ban ngày đang gây ra không ít tranh cãi trong dư luận. 

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 27 của Luật GTĐB sửa đổi nêu rõ, trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.

Chắc hẳn nhiều người chưa hiểu rõ thế nào là đèn nhận diện, có giống đèn pha/cốt đang được trang bị trên các dòng xe máy hiện nay hay không. Vậy đèn nhận diện có những loại nào và được áp dụng công nghệ gì?

Các nhà sản xuất trang bị đèn nhận diện ban ngày cho xe cơ giới 2 bánh gồm các loại sau: Đèn chiếu sáng ban ngày DRL (Daytime Running Light) và đèn chiếu sáng phía trước tự động AHO (All-time Headlights On). Trong đó:

Đèn chạy xe ban ngày (DRL) thường có màu trắng sáng hoặc màu vàng. Tùy vào mỗi hãng cũng như thiết kế của từng dòng xe mà đèn DRL có thể được gắn phía trước đầu xe hay ở cụm đèn chiếu sáng phía trước hoặc nằm ở vị trí tách biệt và thấp hơn vị trí của đèn pha/cốt. 

Thông thường, những mẫu xe mô tô phân khối lớn và các dòng xe nhập khẩu từ Châu Âu đều sử dụng đèn chiếu gần để làm đèn DRL vì thế mà không có công tắc bật/tắt đèn.

Mục đích của đèn DRL không phải để giúp người điều khiển thấy đường đi mà là giúp những người đi bộ, người đi xe ngược hướng khi tham gia giao thông dễ dàng phát hiện xe mô tô, xe gắn máy đang chạy từ xa đến. Đáng nói là DRL không gây ra chói mắt bởi lẽ các nhà sản xuất xe mô tô, xe gắn máy trên thế giới chủ yếu sử dụng công nghệ đèn LED với loại đèn này.

Về tính chất đặc thù, đa số ở nước ngoài, các phương tiện thường di chuyển với tốc độ khá cao nên việc trang bị đèn DRL là cần thiết và quan trọng, giúp cho các lái xe dễ dàng nhận biết và tránh xảy ra những va chạm không đáng có.

Còn tại Việt Nam, đèn chiếu sáng ban ngày đã xuất hiện từ rất lâu chẳng hạn như chiếc Honda Dream, đèn DRL trên dòng xe này có thể tắt/mở thông qua công tắc, kiểu thiết kế này vẫn có thể gặp trên các mẫu xe Vespa hiện tại.

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù các phương tiện thường nối đuôi nhau, di chuyển với tốc độ tương đối thấp nên việc trang bị đèn DRL ở Việt Nam vẫn thường được dùng với mục đích trang trí là chính. Chưa kể đến việc nhiều người mua xe về đã mang đèn DRL đi độ lại thành các màu khác để giúp xe nổi bật hơn.

Đèn chiếu sáng phía trước tự động (AHO) là đèn chiếu sáng phía trước của xe môtô, xe máy và đèn sẽ tự động bật lên khi khởi động động cơ. Mục đích cũng tương tự đèn DRL, nhằm tránh các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện khác không nhận ra được sự hiện diện của xe môtô, xe máy trên đường. Đèn AHO chủ yếu sử dụng công nghệ đèn Halogen hoặc LED.

Ở Việt Nam, có một số dòng xe như Yamaha Janus, Exciter 150… đều được trang bị loại đèn này, thay vì có công tắc bật/tắt thì đèn nhận diện sẽ tự động sáng khi mở khóa xe. Đây được coi là bước tiến giúp tăng cường khả năng an toàn cho người điều khiển xe.

Nhiều người lo ngại việc luôn bật đèn như vậy có thể ảnh hưởng đến ắc quy của xe vì nó tiêu thụ khá nhiều năng lượng và sẽ gặp phải vấn đề như chết ắc quy. Nhưng do sử dụng công nghệ đèn Halogen/LED và năng lượng cấp cho đèn được lấy phần lớn từ máy phát điện của xe nên sẽ không ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của ắc quy cũng như tăng nhiệt độ cho môi trường.

Trong một nghiên cứu của Cục Giao thông bang Minnesota (Mỹ) chỉ ra rằng, số vụ TNGT vào ban ngày giảm khoảng 32% khi xe máy được trang bị đèn nhận diện. Cùng với các chiến dịch khuyến khích người lái xe sử dụng đèn nhận diện cũng giúp bang này  giảm 5 – 10% tỉ lệ tai nạn. Hay một nghiên cứu tại Châu Âu được đăng tải trên Motorcyclelegalfoundation cũng cho biết, 37% các vụ tai nạn đều xuất phát từ nguyên nhân người điều khiển phương tiện không nhận diện được xe máy trên đường.

Mặc dù dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) vẫn đang trong thời gian lấy ý kiến của người dân cho đến 21/6 và không chắc rằng yêu cầu bật đèn xe máy cả ngày để nhận diện có được thực thi hay không. Nhưng có thể thấy, việc để đèn xe luôn sáng cho dễ nhận biết góp phần không nhỏ đến việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cần tránh nhầm lẫn đèn nhận diện là đèn chiếu gần hay đèn chiếu xa khi sử dụng.