Thanh Hoá: Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp biến thành khu đô thị

Trong khi một bộ phận người dân chưa đồng thuận thì chính quyền đã gấp rút cho thi công ngày đêm, biến vựa cây ăn quả, hoa tươi thành khu đô thị với đủ đường sá, vỉa vè, điện nước… khiến người dân vô cùng bức xúc.

Theo phản ánh của người dân xã Xuân Trường, ngoài số đất thu hồi theo Thông báo số 731 ngày 1/10/2021 của UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá), số đất còn lại của gần 80 hộ dân có diện tích lên tới hơn 4.160 m2 mặc dù chưa có trong quy hoạch, chưa có chủ trương cũng như quyết định thu hồi nhưng chính quyền huyện đã tự ý cho san phẳng để xây dựng hạ tầng trên toàn bộ số đất còn lại này.

Hiện nay các hộ dân đã không còn biết phần ruộng còn lại của nhà mình nằm ở đâu vì các công trình đường, vỉa hè, mương máng, điện nước…đã nằm trên đất của họ, khiến người dân vô cùng bức xúc nói: "Nhà tôi còn khoảng 100 m2, có nhà còn vài chục m2 nhưng giờ đất còn lại tôi không biết ở đâu nữa. Phải làm sao cho rõ ràng đất còn lại ở đâu, bán cho ai, rất bất cập, cách làm ăn không dân chủ, không nh bạch. Mấy anh giải phóng mặt bằng làm theo thực đơn để lấy lương thôi chứ không có tâm, san lấp tất cả rồi phân lô bán nền, rất là bậy."

Trong khi việc đền bù chưa được các hộ dân chưa đồng thuận thì địa phương đã gấp rút cho máy móc vào thi công san lấp mặt bằng

Phản ánh tới đường dây nóng của VOV Giao thông người dân xã Xuân Trường còn cho biết, trong khi việc đền bù diện tích đất phải thu hồi để làm đường giao thông chưa thực hiện xong; một số hộ dân chưa đồng thuận về chủ trương thu hồi đất, đền bù hỗ trợ tài sản, hoa màu trên đất thì Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Thọ Xuân đã “tranh thủ” đền bù trước cho diện tích đất thu hồi làm “khu dân cư”, nhưng lại áp giá bằng đất giải tỏa để làm đường với mức 40.000đ/m2, rồi gấp rút thi công san lấp mặt bằng.

Một số hộ dân cho biết:

"Khi mở ra dự án đất ở khu dân cư, phân lô bán nền thì phải trên cơ sở đồng thuận của tất cả các hộ dân. Ở đây còn một số hộ không đồng thuận, nhưng chính quyền vẫn cho tiến hành, máy móc, con người vẫn vào thi công ào ào. Tôi thấy có gì đó không bình thường."

"Bây giờ khu phân lô bán nền đấy đã hình thành rõ ràng và rất chi tiết rồi, từng lô một đã đấu nối đường nước, đường điện, đường thoát nước thải…để chuẩn bị xây nhà đã đầy đủ hết rồi."

Người dân cho biết, do thiếu thông tin, lại nghe theo lời tuyên truyền của lãnh đạo địa phương về việc làm đường giao thông và khu tái định cư nên nhiều hộ dân đã đồng thuận và nhận một phần tiền đền bù mà không biết mục đích chính của dự án “Đất ở khu dân cư, tái định cư” chủ yếu là để phân lô bán nền, có dấu hiệu để trục lợi, bỏ qua quyền lợi chính đáng của người dân.

Hệ thống trang trại phục vụ nuôi trồng, nhà lưới, nhà màng phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không được đền bù

Việc làm này trái với chủ trương thu hồi đất được qui định trong Luật Đất đai và các qui định của pháp luật liên quan đến việc thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng các “công trình an ninh quốc phòng, mục đích quốc gia, mục đích công cộng”.

Vì thế người dân cho rằng, nếu thu hồi đất để làm “khu dân cư”, phân lô bán nền với giá thị trường thì phải bồi thường cho dân theo giá thỏa thuận, phù hợp với thị trường: "Đất phân lô bán nền chúng tôi không được thỏa thuận, hầu như người ta áp giá, ép chúng tôi phải nhận. Năm ngoái do chưa hiểu rõ chính sách nên gia đình tôi đã nhận một phần tiền đền bù, nay tôi kiến nghị trả lại tiền đã nhận và đề làm rõ  nhiều bất cập hiện nay."

Người dân nơi đây còn cho biết thêm, một số cán bộ, đảng viên xã Xuân Trường mặc dù không có “tiêu chuẩn” đất tại khu vực Hậu Hiền, nhưng sau khi có quy hoạch đường xá, đất ở lại bất ngờ có trong danh sách được nhận đền bù. Đặc biệt, số tiền 329 triệu đồng đền bù hoa màu (với một số ít cây keo nhỏ) cho một hộ dân có dấu hiệu không nh bạch.

Trong khi đó, một lượng lớn cây lấy gỗ của nhiều hộ dân khác lại đền bù với đơn giá rẻ mạt, thậm chí nhiều cây hoa màu không được đền bù; hệ thống trang trại phục vụ nuôi trồng hay hệ thống nhà lưới, nhà màng phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng không được đền bù.

Số đất còn lại của gần 80 hộ dân, với diện tích 4.162,7 m2 dù chưa có trong quy hoạch, chưa có quyết định thu hồi nhưng chính quyền huyện đã tự ý cho san phẳng để xây dựng hạ tầng

Trao đổi với VOV Giao thông, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc khẳng định, hành vi lợi dụng thu hồi đất làm khu tái định cư để thu hồi vượt quá diện tích cần thiết nhằm chuyển đổi sang mục đích khác có thể bị xử lý hình sự.

"Thu hồi đất vì mục đích công cộng phải có các tiêu chí, tiêu chuẩn, các trường hợp cụ thể, chứ không thể giao cho địa phương nhập nhèm ông thích biến thành công cộng thì ông nói cái này là công cộng để lợi dụng và che mắt dân. Tất cả những vấn đề đó đều liên quan đến việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để cố ý làm trái, với tính chất và hậu quả lớn có thể sẽ bị xử lý về mặt hình sự (ngoài việc xử lý về mặt đảng và chính quyền). Chuyện nhập nhằng như thế các địa phương rất nhiều, bây giờ  nếu thanh tra lại tất cả các dự án đất đai trên cả nước thì tôi khẳng định số lượng đó rất, rất nhiều và sẽ phải xử lý trong nhiều nhiệm kỳ."

Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng việc thu hồi đất sai mục đích đang khiến nhiều gia đình mất oan nhà cửa, hoa màu và tư liệu sản xuất. Nếu tình trạng này không được thanh tra, xử lý và chấn chỉnh kịp thời; cũng như bổ sung quy định vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì việc lạm dụng thu hồi đất để trục lợi sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới và đối tượng bị thiệt hại, không ai khác, chính là người dân đang sử dụng đất hợp pháp.

Người dân Thọ Xuân cho biết những sai phạm của chính quyền huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa không dừng lại ở đây mà còn hàng loạt khuất tất trong việc thu hồi đất đã và đang diễn ra tại nhiều dự án trên địa bàn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ các vấn đề mà thính giả phản ánh và cập nhật thông tin, phản hồi của chính quyền địa phương tới bạn nghe Đài trong các chương trình tiếp theo.