Tháng cô hồn, kiêng kị theo trend?

Một người mẹ mới đây định cho con đi nhà trẻ sau rất nhiều lần trì hoãn, nhưng vẫn chưa thành. Lý do chỉ vì, người cao tuổi trong nhà bảo rằng, tháng cô hồn, ai cho đi học?!

Chuyện thật như bịa giữa đô thị 4.0. Trước đó, tháng 4 chị định cho bé đến trường thì các cụ bảo để qua dịp nghỉ lễ. Nghỉ lễ xong thì thấy vẫn bé bỏng quá. Tháng 5, tháng 6 thì nắng nôi, tháng 7 thì mới ốm dậy. Và giờ sắp tháng 8 dương lịch, thì lịch âm lại đến tháng…cô hồn.

Người mẹ trẻ bối rối vì chưa biết làm sao. Không cho con đi thì lo bé chậm và yếu mọi kỹ năng, vì cả ngày quanh quẩn trong 4 bức tường ăn-ngủ  và xem TV, không giao lưu ai khác ngoài ông bà. Mà cho con đi lớp thì trái lời các cụ, dễ căng thẳng gia đình.

Nếu là người mẹ kia, bạn sẽ làm gì? Chấp nhận tìm cách giải quyết khác biệt quan điểm để cho con tới trường, hay lại chặc lưỡi: thôi  lùi thêm nữa cũng chẳng sao, cho đỡ nhức đầu.

Thực ra, lùi thêm vài tháng, chưa chắc đã …chẳng sao. Vì chút nữa thôi là đến tháng ngâu, mưa gió sụt sùi. Rồi bão liên ên. Rồi những đợt lạnh sớm bất thường do thời tiết ngày càng cực đoan…

Đó đều không phải là thời điểm thuận lợi cho con bắt đầu đi lớp.

Ảnh nh họa

Với trẻ em, chỉ cần mưa to, sấp chớp, trời mau tối, trời lạnh… là chúng lập tức cảm thấy bất an, nhớ nhà. Trẻ mới đi lớp, tâm trạng vốn đã mong manh, lại càng dễ khóc.

Chưa kể, đến ngưỡng 2 tuổi, trẻ đã có ý niệm rất rõ ràng về người lạ - người quen, thì sự cởi mở đón nhận môi trường mới sẽ lại càng khó hơn. Chúng thường khóc nhiều hơn, dai dẳng hơn và khó chấp nhận việc đến trường hơn so với trẻ đi lớp trước 2 tuổi.

Vì thế, tháng cô hồn cũng chỉ là một lý do. Nếu bạn thiếu tin tưởng vào quyết định của mình thì mọi kế hoạch đều có nguy cơ xê dịch.

Việc hoãn cho trẻ đến trường trong tháng cô hồn, có thể chỉ là cá biệt, nhưng có nhiều việc khác cũng thường tạm hoãn, tạm lui, chỉ vì quan niệm “ăn theo”, rằng tháng này thường xui xẻo.

Tháng cô hồn, lại đúng Mùng Một, hỏng cái gì cũng không dám sửa, thiếu cái gì cũng chẳng tiện mua. Nợ đến hạn thì tìm cách kéo dài. Kế hoạch đã lên lại tần ngần suy tính. Thậm chí, đã đau bệnh cả tuần, cũng cố đợi cho qua mấy ngày đầu tháng mới đi viện, vì sợ cả tháng dặt dẹo ốm đau.

Nhiều người quan niệm: có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Nhưng chính họ cũng không biết mình thực sự đang thờ ai và kiêng vì cái gì.

“Lành” chưa thấy, chỉ thấy rất nhiều thứ rất rủi ro vì kiêng tràn lan. Rủi ro thiệt hại uy tín, danh dự của mình, rủi ro công chuyện của người khác. Thậm chí, liên quan đến sức khỏe, hoãn một ngày là tình trạng đã khác rất xa.

Trong khi, phân tích căn cứ khoa học, có những việc, tháng này mới là thời điểm lý tưởng nhất trong năm để tiến hành. Sẽ rất đáng tiếc nếu phải bỏ lỡ, chỉ vì những kiêng kị theo trend./.