Than tổ ong: Tiện nhưng hại

Theo Tổng Cục Môi trường, thì Hà Nội được đánh giá là thành phố chịu nhiều ô nhiễm nhất cả nước, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Ngoài lượng khói bụi từ tàu xe, từ các công trình xây dựng, thì khói bếp than tổ ong cũng là một trong những “sát thủ vô hình”

Hiện toàn thành phố vẫn có khoảng 55.000 bếp than tổ ong, tương đương với hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá thể đang sử dụng loại bếp than này. Nếu loại bỏ hoàn toàn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kế sinh nhai của họ. (ảnh: Quang Hùng)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Dạo quanh các tuyến phố trong trung tâm của Hà Nội vào buổi sáng sớm, không khó để bắt gặp những chiếc bếp lò đốt than tổ ong rực lửa.

Bà Thanh, bán bún trên tuyến phố Văn Cao, quận Ba Đình đang hí húi mồi than sang hai chiếc bếp lò để chuẩn bị phục vụ bữa sáng cho thực khách. Khi được hỏi vì sao thành phố đã cấm mà vẫn sử dụng loại than này, bà Thanh phân trần:

“Cũng biết là nhà nước cấm than tổ ong từ lâu rồi nhưng vì dây điện nhà hơi xa, từ cuối ngõ ra đầu ngõ xa quá.Nếu nhà nước quá cấm thì chúng tôi phải sử dụng bếp điện”.

Cũng như bà Thanh, nhiều tiểu thương chủ yếu bán hàng ăn ở hầu khắp các ngõ phố trong đô thị vẫn thường xuyên sử dụng than tổ ong bởi vì một chữ… “tiện”.

Loại bếp này có thể mang đi khắp nơi, ngồi vỉ hè, đầu ngõ hay thậm chí mang lên cầu để nướng ngô, khoai.

Không những thế, với giá thành rẻ, chỉ khoảng 100-200 nghìn đồng 1 chiếc bếp, 3.000đ/1 viên than, người sử dụng có thể đun, nấu thoải mái trong 3-4 tiếng đồng hồ. Nhưng tác hại của nó gây ra là không hề nhỏ. Như bà Thanh đã sử dụng loại than này 40 năm và có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

“Năm nay tôi cũng 78 tuổi rồi, trước kia tôi cũng ngồi bán hàng 40 năm, toàn ngồi cạnh than tổ ong, giờ tôi cũng thấy người yếu sức khỏe. Thế mà tôi dùng 40 năm nay rồi”, bà Thanh nói.

Than tổ ong là hỗn hợp than đá và bùn chưa được tinh chế nên chứa nhiều khoáng chất, khi đốt sẽ thải ra một số hợp chất độc hại và bụi.

Theo chuyên gia an toàn thực phẩm Nguyễn Duy Thịnh, khi hít phải những khí độc này có thể mắc các bệnh về phổi, hen suyễn, hay nhiễm độc máu. Đặc biệt, nếu đốt than trong nhà kín, người sử dụng dễ bị đau nhức đầu, hôn mê sâu, dẫn đến tử vong.

“Than tổ ong không gây ra hỏa hoạn nhiều nhưng gây ra khí độc nhiều, khí Co, Co2 đều gây ra viêm phổi, có thể gây tử vong. Thứ hai là bụi, một trong những nguyên nhân gây ra bụi mịn trong thành phố là do than tổ ong”, chuyên gia an toàn thực phẩm Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm.

Để hạn chế tác hại của than tổ ong, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các quận, huyện nhanh chóng thay thế, loại bỏ loại than này.

Theo đó, sẽ chấm dứt hoàn toàn việc đốt than tổ ong trước ngày 31/12/2020, nếu người dân tiếp tục sử dụng sẽ bị xử phạt hành chính. 

Tuy nhiên, theo khảo sát của Sở Tài nguyên - môi trường, hiện toàn thành phố vẫn có khoảng 55.000 bếp than tổ ong, tương đương với hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá thể đang sử dụng loại bếp than này. Nếu loại bỏ hoàn toàn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kế sinh nhai của họ.

Chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo: “Lệnh cấm còn ảnh hưởng đến sự sinh nhai của một bộ phận dân cư, mà bộ phận dân cư này đều là những người thu nhập thấp. Chúng ta cần phải nghiên cứu tìm một giải pháp cho hợp lý để cho người dân dùng được loại nguyên liệu không gây ô nhiễm môi trường mà vẫn sinh tồn được một cách bình thường, đó mới là quan trọng”.

Trong khi rõ ràng, vì sự tiện lợi của nó, mà bếp than tổ ong vẫn được nhiều người dân thành thị sử dụng. Thế nhưng, để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, người dân cần từ bỏ thói quen đun nấu bằng bếp than tổ ong.

---

Để nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 12/6, mời các bạn nghe tại đây: