Tết này, xem gì chơi gì trên phố cổ Hà Nội?

Mới đây, chuỗi hoạt động văn hóa mừng Đảng mừng Xuân Tân Sửu có tên "Tết Việt - Tết Phố 2021" đã chính thức được công bố tại Hà Nội, kéo dài hơn 1 tháng từ nay tới 28/2.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Không gian đón tết của gia đình Hà Nội sẽ được giới thiệu tại ngôi nhà cổ 87 phố Mã Mây. Ảnh: Môi trường và đô thị

Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Trần Thúy Lan - Phó trưởng ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội  về chuỗi chương trình này.

PV: Bà cho biết mục tiêu của chuỗi hoạt động văn hóa Tết Việt - Tết phố 2021?

Bà Trần Thúy Lan: Chương trình thường niên này nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức cộng đồng về một lễ hội lành mạnh, giàu bản sắc dân tộc.

Đây cũng là cơ hội quảng bá lịch sử văn hóa du lịch của địa phương.

PV: Chuỗi hoạt động năm nay có điểm nhấn nào để thu hút giới trẻ, thưa bà?

Bà Trần Thúy Lan: Tại không gian Trung tâm giao lưu văn hóa phổ cổ Hà Nội, chúng tôi phối hợp với nhà văn hóa, nhà sưu tầm PGS.TS Đặng Văn Bài giới thiệu con giáp của năm.

Trong đó có buổi tọa đàm “trâu trong đời sống người Việt”, trong văn hóa dân gian, ứng dụng đương đại. Tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, chúng tôi giới thiệu không gian đón Tết của một gia đình Hà Nội, có sự tương tác với du khách về gói bánh chưng.

Tại không gian Đền Quan Đế 28 Hàng Buồm, chúng tôi triển lãm giới thiệu 3 dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống và Kim Hoàng.

Đặc biệt, tại không gian Đình Kim Ngân 42-44 Hàng Bạc, chúng tôi trang trí sắp đặt không gian Tết, các nghi lễ tế thành Hoàng làng, tổ nghề, rước truyền thống. Cũng tại đây, chúng tôi có âm nhạc giao lưu, phối hợp với Hội quán di sản tổ chức chương trình “Xuân heritage” để triển khai trò chơi dân gian bằng thực tế ảo, vẽ tranh Đông Hồ cho thiếu nhi.

Chúng tôi tái hiện đoàn rước một gia đình Hà Nội từ Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây sẽ đến các điểm di sản khác. Năm nay chúng tôi xin phép cấm đường một đoạn phố Hàng Bạc để giao lưu âm nhạc các vùng ền: Ca Huế, đàn ca tài tử của Bạc Liêu, hát xoan của Phú Thọ, hát xẩm, chèo của Hải Phòng.

PV: Xin cảm ơn bà.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: