Giống như bao gia đình khác, chị Nguyễn Hồng Ngọc, ngụ tại Tp.Thủ Đức (TP HCM) tất bật mua sắm để chuẩn bị cho dịp Tết.
Loay hoay hơn 1 tiếng trên các ứng dụng mua hàng online, chị Ngọc hoang mang khi cùng một sản phẩm và nhà sản xuất nhưng có rất nhiều giá thành khác nhau: “Mình không có thời gian nên đành tìm mua cây quạt thử trên các app mua hàng, nhưng cùng một sản phẩm, nhà sản xuất lại có rất nhiều giá khác nhau. Có cây quạt chỉ 100 ngàn, có cây đến hơn 1 triệu, sợ mua về không dùng được nên thôi ra ngoài mua cho chắc”.
Khác với chị Ngọc, bạn Lê Hoàng Minh đang là sinh viên năm 2 của trường Cao đẳng phát thanh truyền hình II đã từng là nạn nhân khi mua phải hàng giả, hàng nhái vì thấy giá thành rẻ: "Trước em có mua nồi cơm điện ngoài lề đường khoảng 150 ngàn, tại thấy cũng phù hợp với rẻ nữa. Lúc mua người bán có cắm điện và thử qua thì em thấy cũng ổn nhưng khi mua về được hơn 1 tuần thì hư.
Em quay lại tìm thì không thấy người bán còn ở đó nữa. Em có lên trình bày với cơ quan chức năng nhưng không giải quyết được”.
Theo bà Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, hiện pháp luật Việt Nam đã ban hành chế tài xử phạt cũng như bảo vệ người dân trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập trong công tác thực thi luật của ngành chức năng:
“Hầu hết những món hàng giá trị thấp khi đến cơ quan chức năng không giải quyết, chỉ giải quyết các trường hợp có giá trị cao, mà hàng giá trị cao thì phải đến toà án để giải quyết. Do đó phải theo đúng quy định của án dân sự, tức là phải đóng án phí, tạm ứng án phí thì toà mới thụ lý.
Và trong trường hợp khi người dân mất tiền và đến khiếu nại để được giải quyết mà lại phải bỏ thêm một khoảng tiền nữa để đóng thì người ta ngần ngại. Do đó người ta không khởi kiện và chịu thiệt thòi”.
Trước vấn đề này, vừa qua Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM đã có những góp ý nhằm kiến nghị sửa đổi luật bảo vệ người tiêu dùng để góp phần quản lý, xử lý triệt để hơn tình trạng hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó bà Phan Thị Việt Thu cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự quyết liệt và phối hợp chặt chẽ từ cơ quan chức năng thực thi luật: “Vấn đề quan trọng mà chúng tôi cứ phải nhắc là vấn đề luật đã có nhưng việc thực thi pháp luật phải được triệt để và nghiêm túc. Tức là mỗi UBND quận, huyện cần phải ra quyết định thành lập một đơn vị để trực tiếp giải quyết ngay những vấn đề mà người tiêu dùng khiếu nại. Nếu có một đơn vị xử lý như vậy thì sẽ hạn chế được việc hàng giả, hàng nhái”.
Để giải quyết được phần gốc của nạn hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng có “thông thái” đến mấy vẫn là không đủ. Điều kiện tiên quyết vẫn phải là sự triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp từ ngành chức năng.
Hy vọng những bất cập còn tồn tại sẽ sớm được khắc phục để Tết này người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sắm, không còn phải lo “tiền mất, tật mang”.