Tật ngộ nhận

Chính những người gào lên hỏi “biết tao là ai không” lại là những người không biết mình là ai, không biết không gian đang hiện diện là ở đâu, và không biết cách ứng xử phù hợp với hoàn cảnh đó.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Cách đây không lâu, một phụ nữ bế theo con nhỏ vào một quán café. Chị này sau đó lên mạng “bóc phốt” nhân viên quán vì đã đề nghị 2 mẹ con ra khỏi quán cho đến khi em bé hết quấy, ngừng khóc.

Nhưng bài đăng này lại có hiệu ứng ngược, khi chủ nhân bị cộng đồng mạng trách cứ vì quá ích kỷ, làm phiền những khách xung quanh, đồng thời cho rằng, chị ta đã mang con nhỏ đến một không gian không phù hợp.

Việc tố cáo nhân viên cũng cho thấy tư duy ngộ nhận của người phụ nữ này về vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của khách hàng cũng như quán café. Rõ ràng, “thượng đế” cũng cần tuân thủ các quy tắc của nơi phục vụ, tôn trọng sự riêng tư, không gian của người khác.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với môt doanh nhân đi máy bay, có hành vi quấy rối rồi nạt nộ tiếp viên; hay mới đây nhất, một vị quan chức ngành dân số say rượu vẫn lái xe và hành hung CSGT.

Những câu nói kiểu như: “Mày biết tao là ai không?”, “Mày tuổi gì!” cho thấy não trạng bất bình thường của một số người. Họ tin rằng, có thành công, vị trí nhất định trong xã hội, hoặc thậm chí chỉ cần bỏ tiền ra mua dịch vụ là được quyền hành xử kiểu trịnh thượng, coi người đối diện như cỏ rác.

Họ ngộ nhận quyền lực giữa mối quan hệ khách hàng với người phục vụ, giữa công dân với người thực thi công vụ. Khi ra chốn công công, họ vô thức suy nghĩ, hành xử theo thói quen cửa quyền, hách dịch, quan liêu như vẫn từng trong cuộc sống, nơi làm việc riêng.

Và như những đứa trẻ, chúng khóc, la lối, giãy nảy vì không được đáp ứng đồ chơi, họ cũng sẽ nổi nóng, mất kiểm soát khi người đối diện không đáp ứng đòi hỏi phi lý, ích kỷ, thậm chí vi phạm pháp luật của mình.

Thuật ngữ hiện đại thường gọi trạng thái này là “ngáo quyền lực”. Chính những người gào lên hỏi “biết tao là ai không” lại là những người không biết mình là ai, không biết không gian đang hiện diện là ở đâu, và không biết cách ứng xử phù hợp với hoàn cảnh đó.

“Tri nhân giả trí, tự tri giả nh” - Biết người là khôn, biết mình là sáng suốt. Câu châm ngôn ấy của người xưa có lẽ cũng là lời răn dạy cho những người hay có tật ngộ nhận./.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: