Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp ngoại đầu tư tại Việt Nam

VOVGT- Việt Nam được đánh giá là thị trường bán lẻ hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nước ta đã có nhiều chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Theo thống kê, hiện nay tại Việt Nam có hơn 170 cơ sở bán lẻ thuộc các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có khoảng 110 cơ sở bán lẻ FDI có quy mô 500 m2 trở lên thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng như BigC, Lotte Mart, Aeon, Emart…

Việt Nam được đánh giá là thị trường bán lẻ hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: TTXVN

Theo các chuyên gia kinh tế, các nhà bán lẻ “ngoại” chính là kênh tiêu thụ quan trọng giúp đẩy mạnh việc phân phối các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt trong hệ thống của họ tại thị trường nội địa cũng như nước ngoài. Đơn cử như Tập đoàn Central Group, định hướng lâu dài của Central Group và Big C Việt Nam là luôn coi các nhà cung cấp tại địa phương là nhà cung cấp chính, chiến lược cho sự phát triển, mở rộng hệ thống bán lẻ Big C tại Việt Nam.

Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành quan hệ đối ngoại và truyền thông Tập đoàn Central Group cho biết thêm:

 

“Đối với Big C và Central Group Việt Nam thì tầm nhìn của Central Group Việt Nam đó là đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt. Đây không chỉ là kim chỉ nam mà còn được thể hiện qua các hành động thiết thực của mỗi cán bộ công nhân viên công tác trong tập đoàn. Cụ thể là chúng tôi luôn ưu tiên cho hàng Việt Nam, chúng tôi luôn sẵn sàng, luôn mở cửa, hợp tác và ủng hộ với các nhà cung cấp, sản xuất Việt Nam, như Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam”.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Trên thực tế, ngay từ trước khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cho phép một số doanh nghiệp FDI đầu tư mở cơ sở bán lẻ ở Việt Nam. Kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã ban hành và thực thi Nghị định số 23/2007/NĐ-CP (sau đó thay thế bằng Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam).

Theo đó, kể từ 01/01/2009, doanh nghiệp phân phối 100% vốn nước ngoài được phép thành lập tại Việt Nam và được quyền phân phối hầu hết các mặt hàng (ngoại trừ 9 mặt hàng và nhóm mặt hàng Việt Nam chưa cam kết mở cửa: thuốc lá và xì gà; sách, báo và tạp chí; vật phẩm đã ghi hình; kim loại quý và đá quý; dược phẩm; thuốc nổ; dầu thô và dầu đã qua chế biến; gạo; đường mía và đường củ cải).

Ngoài ra, hoạt động phân phối của doanh nghiệp có vốn FDI còn phải tuân thủ các điều kiện quản lý chuyên ngành đối với từng mặt hàng cụ thể mà pháp luật Việt Nam quy định chung cho cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI (ví dụ, việc phân phối các mặt hàng: thuốc lá, rượu, hàng nông sản...).

Theo Bộ Công Thương, đến nay, Việt Nam đã đạt được mục tiêu theo cam kết quốc tế và quy định pháp luật trong nước đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối hàng hóa, cho phép doanh nghiệp bán lẻ FDI đầu tư lập hệ thống phân phối theo lộ trình.

Một số thương hiệu lớn như: Big C, Aeon, Auchan... đã đầu tư thành lập các trung tâm thương mại, siêu thị thông qua việc thành lập nhiều pháp nhân (doanh nghiệp) khác nhau tại Việt Nam để mỗi doanh nghiệp sở hữu và quản lý một hoặc một số cơ sở bán lẻ hoặc thông qua hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu với doanh nghiệp vốn trong nước.

Về đầu tư hạ tầng, chỉ có Metro Cash & Carry (nay là MM Mega Market), Aeon và một số ít trung tâm thương mại của Big C Việt Nam được đầu tư theo hình thức thuê đất để trực tiếp xây dựng, khai thác trung tâm thương mại. Còn đa số các thương hiệu bán lẻ FDI khác đều đi thuê lại mặt bằng bán lẻ của các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản FDI và vốn trong nước.

Về phương thức thâm nhập thị trường Việt Nam, ngoài việc thành lập hiện diện thương mại có tư cách pháp nhân (doanh nghiệp) tại Việt Nam, còn có một số thương hiệu bán lẻ nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam (chủ yếu đối với loại hình cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh quy mô nhỏ) thông qua hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu (hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu) cho các doanh nghiệp vốn trong nước, như Shop and Go, B-S Mart, Guardian....; hoặc sử dụng phương thức nhượng quyền thương mại (như Circle K, Ministop...) hay kết hợp đầu tư trực tiếp và nhượng quyền thương mại thương mại (như FalyMart).

Đặc biệt, thời gian qua có một số nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua việc mua cổ phần trong các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, như Tập đoàn Central - Thái Lan mua cổ phần của doanh nghiệp sở hữu chuỗi điện máy Nguyễn Kim, Nojima (Nhật Bản) mua cổ phần của chuỗi điện máy Trần Anh; và thông qua việc mua lại cả chuỗi cơ sở phân phối của nhà đầu tư nước ngoài khác ở Việt Nam, như TCCLI – Singapor gốc Thái Lan mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam, Tập đoàn Central - Thái Lan mua lại chuỗi các cơ sở bán lẻ Big C của Tập đoàn Casino- Pháp.

Chính những hoạt động này góp phần làm sôi động và tăng sức cạnh tranh cho thị trường bán lẻ Việt Nam.