Tạo chuyển biến tích cực và niềm tin vào hàng Việt Nam

VOVGT-Qua 8 năm triển khai thực hiện Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan..

 

Qua 8 năm triển khai thực hiện Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả bước đầu rất cơ bản và khả quan. Cuộc vận động đã nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn dân về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động.

Qua đó, nhận được sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, thể hiện chủ trương phát động Cuộc vận động là đúng đắn, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản xuất kinh doanh, phân phối của các doanh nghiệp.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ngay sau khi nhận được thông báo của Bộ Chính trị về phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cho đến nay, sau 8 năm triển khai, các doanh nghiệp, cũng như người dân đã nhận thức được trách nhiệm của mình với sự phát triển kinh tế đất nước nói chung, và của tỉnh Bắc Giang nói riêng trong điều kiện hội nhập kinh tế. Qua đó làm thay đổi tâm lý, hành vi mua hàng hóa có xuất xứ trong nước.

Ông Dương Văn Thái - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam triển khai ở Bắc Giang đã thu được những kết quả rất tích cực trong những năm qua, tạo chuyển biến về nhận thức của người dân đối với hàng Việt Nam

Về điều này, ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Phó Ban chỉ đạo Cuộc Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh cho biết: Có thể khẳng định là 1 ban chỉ đạo có đầy đủ các thành phần tham gia quan trọng nhất của tỉnh. Như vậy có thể thấy là sự quan tâm của tỉnh Bắc Giang trong công tác triển khai và hưởng ứng cuộc vận động của Trung ương. Thứ hai, Ban chỉ đạo hằng năm đều xây dựng kế hoạch hết sức cụ thể, chi tiết, phân giao cho các sở ngành, các huyện, các đơn vị địa phương từng việc cụ thể để làm một cách hết sức thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn. Thứ ba là tập trung cho công tác tuyên truyền, là 1 trong những nội dung hết sức quan trọng của cuộc vận động, có sự tác động và sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng lớn…

Với kế hoạch cụ thể, cũng như công tác tuyên truyền hiệu quả, tính đến nay, Bắc Giang đã triển khai có hiệu quả chương trình “Điểm bán hàng Việt Nam” với 20 điểm, bình quân mỗi huyện, thành phố có 2 điểm bán hàng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, 133 chợ truyền thống. Các hệ thống phân phối đang tiếp tục được đầu tư, đổi mới cải tiến chất lượng dịch vụ…, góp phần đáng kể trong việc thay đổi diện mạo ngành thương mại của Bắc Giang theo hướng hiện đại và đảm bảo tỷ lệ hàng Việt nam tại các hệ thống này duy trì ở mức hơn 90%...

Đánh giá về ý nghĩa của cuộc Vận động, ông Dương Văn Thái khẳng định: Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có ý nghĩa rất to lớn, cuộc vận động chính là để bảo tồn phát huy nền văn hóa Việt Nam, làm cho người Việt ý thức hơn về lòng yêu nước, tính tự lực tự cường. Và đây là tố chất văn hóa có tính nền tảng đưa đến hành vi văn hóa tiêu dùng và văn hóa sản xuất. Góp phần đưa đất nước ta phát triển nhanh, phát triển bền vững…

Sản phẩm hàng hóa mang đặc trưng địa phương luôn được chú trọng hỗ trợ phát triển

Qua Cuộc vận động, ý thức của người tiêu dùng trong tỉnh cũng đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Theo khảo sát, từ chỗ có hơn 70% người tiêu dùng ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài, đến nay con số này đã giảm xuống còn khoảng 35%, các chợ, cửa hàng trên địa bàn có khoảng 80% hàng Việt Nam được bày bán…

Để có được những con số ấn tượng này, các ngành chức năng địa phương đã tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, thủ tục đầu tư đảm bảo công khai, nh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí cho các doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Bắc Giang cũng thường xuyên có những hoạt động trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng với quan điểm, quyền lợi người tiêu dùng là thước đo nhân quyền, là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Ông Dương Văn Thái nhấn mạnh: Phát huy vai trò của ngành thành viên ban chỉ đạo, đổi mới hoạt động của ban chỉ đạo. Tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, nhất là các ngành thành viên như ngành công thương, ngành nông nghiệp, y tế, làm sao để kiểm tra kiểm soát thị trường đảm bảo ATVSTP; đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Việc triển khai đồng bộ các biện pháp như vậy thì cuộc vận động mới đi vào thực chất, có hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng…