Tăng thuế thuốc lá thế nào để đạt mục tiêu kép?

Với 15,6 triệu người hút thuốc, Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia trên thế giới có số người hút thuốc nhiều nhất. Mỗi năm cả nước có trên 40.000 ca tử vong liên quan các bệnh do thuốc lá gây ra.

Nhằm giảm tỷ lệ người tiêu thụ sản phẩm này, tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở mức cao. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng lo lắng về các tác động có thể xảy ra nếu như tăng "sốc” thuế.

Vậy, tăng thuế thế nào để đảm bảo mục tiêu giảm tiêu dùng thuốc lá, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường và doanh nghiệp? PV VOV Giao thông đối thoại với GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về nội dung này.

PV: Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết phải điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh trực tiếp vào người tiêu dùng để điều tiết hành vi của người tiêu dùng, hướng vào việc hạn chế tiêu dùng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, không có lợi cho cá nhân, cho cộng đồng hoặc các sản phẩm xa xỉ phẩm, không thiết yếu.

Thuốc lá là sản phẩm theo khung công ước quốc tế thì chúng ta là quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc khá cao, kể cả tỷ lệ trẻ em. Do vậy cần điều chỉnh chính sách thuế để điều chỉnh hành vi này, giảm tỷ lệ người hút thuốc lá xuống.

Ảnh nh họa

PV: Vậy, theo ông, việc điều chỉnh này sẽ có những tác động ra sao?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Mặc dù thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế để điều tiết hành vi tiêu dùng nhưng điều chỉnh thuế thì nguyên tắc phải tăng thu, tất nhiên đây không phải là mục tiêu chính nhưng nó phải đạt được nguyên lý đó.

Bây giờ đánh thuế vào thì khối lượng tiêu dùng ít đi, các doanh nghiệp thuốc lá phải sản xuất ít đi thì thuế của các doanh nghiệp thuốc lá đóng góp sẽ ít đi, như vậy sẽ giảm nguồn thu ngân sách; những người sản xuất nguyên liệu cho sản xuất thuốc lá cũng sẽ ít đi, công ăn việc làm cũng ít đi.

Yếu tố nữa là khi tăng thuế thì thường tỷ lệ thuận với buôn lậu, và buôn lậu tăng lên thì phần thu thuế ở đó là bằng 0. Do đó, chúng ta phải đánh giá xem, nếu tăng thuế như thế thì tỷ trọng buôn lậu giảm hay tăng lên bao nhiêu. Ở đây chúng ta cần cân nhắc rất kỹ cái mức tăng như thế nào để đảm bảo rằng kiểm soát buôn lậu không tăng, và cái mức giảm tiêu dùng để điều tiết hành vi tiêu dùng tốt hơn, vẫn giữ được ổn định sản xuất và thu ngân sách vẫn đạt được.

PV: Ông có ý kiến ra sao về việc tăng thuế nhưng cần hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường, doanh nghiệp và an sinh xã hội?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Tăng thuế thì tôi đồng tình, chúng ta phải tăng nhưng lộ trình làm sao, các giải pháp đi kèm với nó là gì, đấy mới là điều quan trọng. Nếu chúng ta chỉ đơn thuần dựa vào công cụ kinh tế là tăng thuế, tăng giá để hạn chế tiêu dùng đối với thuốc lá thì tôi cho rằng sẽ không thành công.

Bởi vì đối tượng hút thuốc lá hiện nay không phải người có nhiều tiền nên không phải vì có ít tiền mà họ không dùng và nếu chúng ta chỉ dùng công cụ kinh tế như thế thì chúng ta sẽ tác động nhiều vào đời sống người nghèo, người lao động, đẩy lên tình trạng tiêu dùng những sản phẩm không chính thức, do đó có tác dụng ngược.

Ảnh nh họa

PV: Đóng góp của ông về những giải pháp đi kèm khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để đạt hiệu quả là gì?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Đối với thuốc lá cũng như rượu bia để tác động hạn chế tiêu dùng phải đi kèm theo thuế và các biện pháp quản lý hành chính mới có tác dụng mạnh. Như vậy, tăng thuế phải có lộ trình để dùng công cụ thuế đó nhằm tăng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và sử dụng các công cụ hành chính khác.

Chúng ta trước đây đang dùng thuế tương đối thì bây giờ nên dùng thuế tuyệt đối nhưng ở một mức rất là phù hợp và dùng nó để đưa thêm các biện pháp quản lý hành chính vào như quản lý chặt chẽ các kênh bán thuốc lá thì người dùng sẽ phải điều chỉnh hành vi của mình và hạn chế được buôn bán thuốc lá lậu.

Một loạt các biện pháp tổng thể mà chúng ta cần phải tác động để đạt được mục tiêu hạn chế sử dụng thuốc lá chứ không phải chỉ nhằm một mục tiêu là tăng thuế để tăng nguồn thu.

PV: Xin cảm ơn ông!