Tặng thầy cô quà gì?

Ở Việt Nam, ngày 20/11 hàng năm được chọn là ngày để tôn vinh những người thầy, người cô làm công tác giảng dạy, đào tạo. Đây cũng là dịp để nhiều thế hệ học sinh, sinh viên bày tỏ sự tri ân đến những “người đưa đò thầm lặng”.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
20/11 là dịp để nhiều thế hệ học sinh, sinh viên bày tỏ sự tri ân đến những “người đưa đò thầm lặng.

Giờ tan tầm, cô con gái bé bỏng hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sắp đến ngày 20/11, mình tặng quà gì cho cô ạ”?

- “Vậy con muốn tặng quà gì cho cô giáo?”

- “Con muốn vẽ một bông hoa tặng cô”

 Cô bé xòe tay với nắm bút chì màu, chiếc dài chiếc ngắn, cười toe toét.

Ở Việt Nam, ngày 20/11 hàng năm được chọn là ngày để tôn vinh những người thầy, người cô làm công tác giảng dạy, đào tạo. Đây cũng là dịp để nhiều thế hệ học sinh, sinh viên bày tỏ sự tri ân đến những “người đưa đò thầm lặng”.

Khi kinh tế còn khó khăn, lũ học trò nghèo cứ chờ đến ngày này là í ới rủ nhau ghé quầy bán hoa hoặc cùng bố mẹ mang hoa đến trường tặng tận tay thầy cô.

Rồi cô thầy mở bọc kẹo ra, chia cho mỗi đứa một vài chiếc, đứa này nhìn đứa kia, mừng húm. Cảm xúc thật khó tả.

Đối với nhiều thế hệ học trò khi trưởng thành và chia xa mái trường, thì đó vẫn là những câu chuyện được nhắc nhớ nhiều nhất mỗi lúc trở về thăm thầy cô giáo cũ.

Một bông hoa bọc bóng kính thắt nơ xanh đỏ vội vàng, đơn giản, hay một cuốn sổ tay, nhưng giúp những đứa học trò nghịch ngợm thường ngày, bỗng chốc trở nên “ngoan hiền” và kính cẩn.

Còn nay, đời sống kinh tế khá giả, phụ huynh học sinh quan tâm đến thầy cô nhiều hơn, với những món quà giá trị kinh tế cao hơn.

Những cô cậu học trò hoặc sẽ được “thay mặt” bố mẹ cầm một chiếc thiệp kèm phong bì để tặng thầy cô, hoặc cũng sẽ “vắng mặt” trong những lần cảm ơn đó.

Phụ huynh thì sốt sắng, mà chính các con, những người cần bày tỏ lòng biết ơn đến những người dạy dỗ mình thì vẫn thờ ơ và thản nhiên.

Bởi con trẻ chưa được giáo dục về sự tri ân một cách cặn kẽ. Bởi hành động của bố mẹ khiến các con mặc định rằng, có món quà vật chất đó là đã đủ. Và nếu món quà được đưa không đúng lúc, trẻ sẽ nghĩ rằng, thầy cô đang “được nhận tiền” từ bố mẹ chúng.

Tặng phong bì không còn là chuyện xa lạ. Nhưng tốt xấu lại bắt nguồn từ mục đích của người tặng.

Tri ân những “người lái đò”, hãy để cho trẻ tự tay làm một món quà nhỏ, hay tự viết một lời chúc cho dù là ngây ngô gửi đến thầy cô bên cạnh sự “chăm chút” sẵn có của bố mẹ.

Và người lớn chúng ta, dù có thực dụng đến đâu đi nữa, thì sự chân thành của con trẻ, đâu dễ để từ chối…

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 18/11 tại đây: