Tăng mức xử phạt với hành vi xả trộm chất thải không qua xử lý

Ngày 30/9, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 45/20022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; trao đổi, giải đáp các vướng mắc liên quan đến Luật bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 

Ảnh nh họa

Tại Hội nghị, Ths.Nguyễn An Thuỷ, Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra - Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ những thông tin về các mức xử phạt tại Nghị định, trong đó tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi cố tình xả trộm, xả lén, xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường như: xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, không xây lắp công trình bảo vệ môi trường… đến mức tối đa (01 tỷ đồng đối với cá nhân; 02 tỷ đồng đối với tổ chức).

Bên cạnh đó, giảm mức phạt đối với các nhóm hành vi xảy ra nơi công cộng để phù hợp với thẩm quyền xử phạt của nhiều lực lượng tại địa phương như: chiến sỹ công an (phạt tối đa 500.000 đồng) hoặc trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an (phạt tối đa 2,5 triệu đồng).

Hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định (mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng) và hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (mức phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng) có thể áp dụng phạt tại chỗ không cần lập biên bản.

Về biện pháp xử phạt bổ sung, tại Nghị định, bổ sung quy định biện pháp xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: các vi phạm xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; các hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật nhiều lần, nghiêm trọng đến mức bị đình chỉ; hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí, gây ô nhiễm môi trường kéo dài; hành vi vi phạm quy định của cơ sở xử lý chất thải nguy hại đến mức bị đình chỉ hoạt động...

Việc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đồng nghĩa với việc tổ chức, cá nhân đó không đủ điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.