Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp để tận dụng hiệu quả hơn các FTA

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp trong nước còn đối mặt với nhiều hàng rào trong quá trình thực thi các FTA, một trong số đó là nguồn lực tài chính hạn chế. Tình trạng thiếu vốn đang là vấn đề phổ biến ở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ các ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng, dẫn đến chưa phát huy được hết năng lực để tận dụng cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương

Chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp tín dụng và nguồn tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA” ngày 22/11, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhận định, thời gian qua, quá trình tận dụng FTA dù đạt được một số kết quả tích cực, song tỷ trọng xuất khẩu tại các thị trường FTA còn khiêm tốn. 

Các doanh nghiệp Việt Nam mới tham gia vào một phần rất nhỏ trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Chính vì thế giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp nhận được còn hạn chế.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quá trình thực thi có những hạn chế, nhưng chúng tôi đánh giá, một trong những nguyên nhân rất quan trọng và có thể đóng vai trò then chốt chính là việc tiếp cận các nguồn vốn và nguồn tài chính của doanh nghiệp", bà Phương chia sẻ.

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2022, hơn 55% doanh nghiệp được hỏi cho biết khó tiếp cận tín dụng, trong khi con số này ở 2019 chỉ gần 35%. Tổ chức quốc tế IFC cũng đánh giá, 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó và không thể tiếp cận được vấn đề tài chính.

Theo bà Phương, cần xây dựng biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tận dụng các FTA tốt hơn, trong đó đặc biệt lưu ý đến những doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực để phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và phát triển những sản phẩm có trách nhiệm hơn với xã hội.

"Bản thân các doanh nghiệp cũng cần định vị lại, tập trung vào những ngành hàng thế mạnh, mang lại giá trị gia tăng cao. Bởi nếu chúng ta cứ dàn trải thì không ai sẵn sàng cho chúng ta vay hay tiếp cận những nguồn vốn tín dụng khi chúng ta còn chưa định vị được mục tiêu cuối cùng của mình", bà Phương nêu quan điểm.

Ảnh nh họa baodautu

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), dù ngân hàng có lượng thanh khoản rất dồi dào, nhưng vẫn phải cho vay theo một nguyên tắc, đảm bảo đúng quy định. Có thể chia sẻ, tháo gỡ khó khăn nhưng không thể hạ chuẩn mọi điều kiện. Nguyên tắc, thủ tục cho vay phải đáp ứng thì doanh nghiệp mới tiếp cận được.

"Ngành ngân hàng cũng hướng tới kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật, trong đó mở rộng hình thức bao thanh toán, là một trong những nội dung tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ năng lực sản xuất kinh doanh nhưng thiếu về mặt nguồn vốn có thể tiếp cận được không chỉ vốn tín dụng mà còn các dòng vốn của các nước, của các tổ chức quốc tế cũng như các doanh nghiệp khác", ông Nguyễn Quốc Hùng thông tin.

Tọa đàm “Giải pháp tín dụng và nguồn tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA” ngày 22/11

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, trong điều kiện kinh doanh tốt hay khi có những bất ổn của thị trường thì câu chuyện tín dụng vẫn luôn là vị trí quan trọng nhất, là dòng máu bơm vào để duy trì sản xuất.

Theo ông Nam, thời gian qua, đề xuất của doanh nghiệp đã được Chính phủ và lãnh đạo ngân hàng quan tâm để có thêm hỗ trợ từ gói 15 ngàn tỷ đồng. Đến nay, hơn 60% gói đó đã được giải ngân và cộng đồng doanh nghiệp rất trân trọng sự chung tay hỗ trợ của Chính phủ và ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp.

“Chúng tôi rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của ngành ngân hàng để làm sao giảm lãi suất với Việt Nam đồng là dưới 7% và lãi suất với đô la Mỹ là dưới 4%. Đây sẽ là một trợ lực đáng kể đối với ngành thuỷ sản để ít nhất trong năm tới 2024 sẽ có thêm nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất.