Tâm lý ngại sinh thêm con và nguy cơ già hóa dân số tại các đô thị

Vài năm gần đây, tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội xuất hiện tình trạng nhiều gia đình trẻ chỉ dừng lại ở việc sinh 1 con và không có ý định sinh thêm con thứ 2. Thực tế tình trạng này ra sao và nó gây ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế x

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Nhiều gia đình trẻ chỉ dừng lại ở việc sinh 1 con và không có ý định sinh thêm con thứ 2

Theo thống kê của Tổng cục dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), hiện tổng tỉ suất sinh của TP.HCM là 1,33 con và hiện đang ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế trên toàn quốc là 2,09 con. Đây được xem là một bất lợi lớn cho TPHCM trong thời gian tới nếu muốn tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của của nước.

Là nhân viên của một tổ chức xúc tiến thương mại Hồng Kông, có trụ sở tại TP.HCM, chị Nguyễn Thị Minh Thiều (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ lý do vì sao không muốn sinh thêm con, dù mới chỉ có một bé gái 5 tuổi: “Chị không có ý định sinh thêm vì không còn trẻ, nếu sinh con ngoài 40 tuổi thì nguy cơ sẽ cao. Quan điểm của chị là không nhất thiết phải có 2 con cho có chị có em hay có anh có em mà quan trọng là nuôi dạy thế nào. Việc nuôi dạy con còn liên quan đến kinh tế và cả thời gian chăm sóc.

Những gánh nặng về kinh tế cũng là nguyên nhân khiến cho vợ chồng anh Trần Minh Trí (ngụ quận Tân Bình) dù lấy nhau 2 năm nhưng vẫn chưa sinh con: “Khi vợ sinh con thì kinh tế sẽ đổ hết lên người chồng, nếu như không đủ lực để gánh vác việc đó trong 1 2 năm mẹ nuôi con, thì sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề khiến gia đình xào xáo hoặc tiêu cực không đáng có".

26 tuổi và đang là một giảng viên trẻ của trường Đại học Kinh tế Luật đại học quốc gia TP.HCM, bạn Nguyễn Ngọc Phương Hồng (ngụ quận Thủ Đức) cũng chưa nghĩ đến việc lập gia đình và có con vì muốn dành nhiều thời gian để phát triển sự nghiệp: “Con của em sẽ xuất hiện vào một độ tuổi chín muồi mà em cảm thấy nên có trong cuộc đời mình. Một gia đình bây giờ nên nâng cao chất lượng giáo dục và tinh thần cho con trẻ hơn là phải phấn đấu để có đủ nếp, đủ tẻ".

Mặc dù đang được xem là trong thời kỳ dân số vàng, nhưng với tình trạng sinh thấp như hiện nay thì TP.HCM và một số đô thị khác đang phải đối mặt với nguy cơ già hóa dân số nếu không có những biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Một em bé chào đời ở Bệnh viện Từ Dũ (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Tuổi trẻ

Ông Trần Văn Trị - Chi cục trưởng Chi cục dân số kế hoạch hóa gia đình TPHCM tỏ ra lo lắng: “Có thể nói rằng mức sinh này đang là thấp nhất cả nước, với mức sinh thấp như vậy sẽ rút ngắn lại thời kỳ cơ cấu dân số vàng, kéo theo tốc độ già hóa dân số tăng nhanh. Với quy mô dân số trên 10 triệu dân mà mức sinh thấp thì trước mắt cũng như lâu dài sẽ ảnh hưởng đến mức sinh chung của cả nước.

Tình trạng già hóa dân số sẽ mang đến những mối lo về thiếu hụt lao động, gia tăng chi phí phúc lợi xã hội và tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước. Tuy vậy, theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Việt Ngân - Phó trưởng khoa Địa lý Đại học KHXHNV TP.HCM thì không dễ để làm chậm tiến trình: “Cái khó khăn nhất là làm thế nào để mỗi cặp vợ chồng cần ý thức rằng quyết định sinh con của họ không chỉ ảnh hưởng đến bản thân gia đình họ mà còn ảnh hưởng đến cả xã hội".

Đứng trước nguy cơ đất nước lâm vào cảnh “chưa giàu đã già”, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho cho rằng: thay vì chỉ vận động suông thì cần có những chính sách khuyến khích cụ thể, cùng với đó là những chính sách nâng cao phúc lợi xã hội lẫn môi trường sống: “Chúng ta khuyến khích lấy nhau sớm, đẻ đủ 2 con nhưng chỉ vận động suông thì không có hiệu quả mà cần nhìn thẳng vào thực tế là đẻ con ra thì chăm sóc bằng cái gì? Do đó vấn đề đầu tiên là kinh tế, cụ thể là việc làm, lương, thu nhập. Thứ hai là phúc lợi xã hội bao gồm y tế, giáo dục, văn hóa và các vấn đề liên quan, tất cả phải tổng hòa và các dịch vụ, phúc lợi xã hội phải đảm bảo chất lượng".

Không ít quốc gia đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh thấp về mức thay thế, đây chắc chắn sẽ là thách thức không nhỏ đối với nước ta nếu muốn duy trì và kéo dài thời kỳ cơ cấu dân số vàng../.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: