Tài xế đổ xô đi xét nghiệm, tính phương án 'san tải' cho bệnh viện tuyến trên

Trong mấy ngày gần đây, khi Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc bắt đầu siết chặt điều kiện ra vào để ngăn nguy cơ lây lan dịch bệnh, thì tình trạng quá tải bắt đầu xuất hiện tại các bệnh viện, cơ sở y tế do tài xế đổ xô đến làm xét nghiệm.

Trước tình hình này, các địa phương đang tính phương án san tải cho bệnh viện tuyến trên.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Tài xế đổ xô đi xét nghiệm tại Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế (Ảnh do thính giả cung cấp)

Giai đoạn này, mỗi chuyến hàng liên tỉnh thực sự là hành trình vất vả của cánh tài xế, trong đó có anh Nguyễn Đăng Kim ở Thường Tín, Hà Nội.

Anh Kim cho biết, các tỉnh thành có yêu cầu giấy xét nghiệm khác nhau, có nơi chỉ cần test nhanh kháng nguyên, có nơi yêu cầu xét nghiệm phương pháp RT-PCR, buộc phải thực hiện ở các bệnh viện: "Đi Hải Dương, Hải Phòng, xét nghiệm PCR thì phải đến viện, dao động khoảng 750 đến 850 tùy viện. Test nhanh dao động từ 220 đến 380 ngàn

Mất một ngày để đi xét nghiệm, chạy được 2 hôm thìhết hạn. Như hôm qua, viện Đại học Quốc gia ở 182 Lương Thế Vinh, cứ kê ghế mét một, mét một. Nói chung là viện nào cũng đông".

Tình trạng quá tải cũng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định (Ảnh do thính giả cung cấp)

Tình trạng tương tự xảy ra ở nhiều địa phương khác, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định. Thính giả VOV Giao thông cho biết:

"Như ở Nam Định, ngày hôm qua quá tải luôn, tất cả bệnh viện, tất cả nơi test nhanh cho người dân và anh em lái xe, đông đúc mà chen nhau khổ lắm. Chỉ mong muốn làm sao ngành y tế và các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho anh em lái xe, thứ nhất là giá cả, thứ hai số lượng người đến tets giãn cách bớt ra".

"Các chốt ở Thái Bình có điểm test COVID-19 cách trạm kiểm dịch khoảng 500m, thuận tiện cho đi lại, đến chốt chỉ cần đưa giấy ra, không phải chờ đợi".

Trao đổi qua Đường dây nóng, đại diện Sở Y tế tỉnh Nam Định cho biết, cơ quan này đang mở rộng số lượng đơn vị được thực hiện xét nghiệm xuống các cơ sở y tế tuyến dưới.

Tuy nhiên, tiến trình còn phụ thuộc vào điệu kiện và năng lực của từng đơn vị.

Còn tại Hà Nội, để giảm ùn tắc tại 22 chốt kiểm dịch, Công an Thành phố đang rà soát lại, tập trung 8-10 chốt trọng điểm, tách làn những phương tiện chỉ đi qua Hà Nội đến địa bàn khác, để giảm bớt số lượng phương tiện kiểm soát.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo hai lực lượng Công an và Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện, các loại phương tiện ưu tiên sẽ hoạt động trên “luồng xanh”.

Theo ghi nhận của VOVGT, đến hôm nay (22/7), tình hình tại các chốt kiểm dịch trên địa bàn Hà Nội cơ bản đã thông suốt.

Mọi người cố gắng giữ khoảng cách tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh do thính giả cung cấp)

Theo PGS. TS. Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa đang được ban, ngành các cấp thực hiện theo văn bản hỏa tốc được Bộ Y tế ban hành ngày 19/7: "Trạm y tế xã có thể làm xét nghiệm test nhanh cho lái xe đường dài. Ban chỉ đạo cũng đã chỉ đạo là các điểm dừng bố trí điểm test nhanh cho lái xe đường dài để tránh ách tắc và đáp ứng được việc xét nghiệm cho lái xe".

Nhiều tài xế mong muốn ngành y tế tăng cường số lượng bệnh viện và cơ sở y tế đủ điều kiện được thực hiện xét nghiệm, để đáp ứng nhu cầu của lái xe phục vụ vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Tuy vậy trong điều kiện hiện nay, khi tất cả các địa phương và lực lượng đều đang “căng mình” phòng chống dịch, rất cần sự chia sẻ, cảm thông của tài xế, doanh nghiệp vận tải và người dân để cùng với ngành y và các cơ quan ngăn ngừa các nguy cơ dịch bệnh lây lan, từng bước khắc phục khó khăn để duy trì ổn định hoạt động giao thương đi lại.