Tại sao chưa thể phổ cập giáo dục mầm non trên cả nước?

Mặc dù chủ trương là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, để đưa tới lớp những trẻ ở vùng khó khăn, những vùng mà trẻ mẫu giáo chưa được đến trường nhưng kinh phí bố trí nguồn lực giáo viên và cơ sở vật chất thì lại hết sức khó khăn.

Bộ GD&ĐT đang đề nghị xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo tại 15 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương.

Về ý nghĩa, phổ cập giáo dục mầm non, đảm bảo mọi trẻ em từ 3 đến 5 tuổi được đến lớp là rất quan trọng, nhằm “dành những điều tốt đẹp nhất cho mầm non tương lai” như lời Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh trao đổi cùng PV VOV Giao thông.

Tuy nhiên, mục tiêu này đang vướng nhiều khó khăn, chưa nói tới chuyện phổ cập trên phạm vi cả nước.

PV: Có thể thấy ý nghĩa và mục tiêu mà Bộ GĐ&ĐT hướng đến trong việc phổ cập giáo dục mầm non là đúng đắn, nhưng để hiện thực hóa điều này không dễ. Theo ông, những nguyên nhân nào đang cản trở chúng ta?

Ông Nguyễn Bá Minh: Để đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non thì có 2 nguồn lực rất quan trọng, đó là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên mầm non.

Mặc dù chủ trương là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, để đưa tới lớp những trẻ ở vùng khó khăn, những vùng mà trẻ mẫu giáo chưa được đến trường nhưng kinh phí bố trí nguồn lực giáo viên và cơ sở vật chất thì lại hết sức khó khăn.

Hiện nay việc huy động trẻ mẫu giáo đến trường thì tỷ lệ toàn quốc đã đạt tới trên 93%, nhưng còn lại một số trẻ em ở một số vùng, ền có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn thì còn khoảng chừng trên 300.000 trẻ chưa được đến trường lớp.

PV: Trong vòng 3 năm, từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non và phổ thông nghỉ việc, bỏ việc là hơn 40.000 người, nếu tính riêng giáo viên mầm non thì con số bỏ việc cũng không nhỏ.

Hiện nay để tuyển đủ giáo viên không đơn giản. Việc này cho thấy khó khăn để phổ cập giáo dục mầm non đang còn nhiều dù việc này rất quan trọng. Vậy kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non có đứng trc nguy cơ thất bại, hoặc mãi không thể triển khai rộng rãi hay không?

Ông Nguyễn Bá Minh: Như tôi vừa trao đổi, mặc dù xác định mục tiêu của giáo dục mầm non là đưa các cháu từ 3 tuổi đến 5 tuổi đến trường là hết sức cần thiết, nhưng do nhận thấy các nguồn lực hiện nay còn khó khăn, cho nên Bộ GD&ĐT đã đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm, chỉ là thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo ở một số tỉnh, thành phố thôi.

Và trên cơ sở kết quả thí điểm này, chúng tôi mới trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội, đưa việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào Luật Giáo dục để triển khai đại trà toàn quốc.

Và tôi xin chia sẻ với những khó khăn, vất vả của giáo viên mầm non hiện nay. Các bộ phận chức năng của Bộ GD&ĐT cũng như lãnh đạo Bộ và Bộ trưởng cũng rất quan tâm làm thế nào để các cô giáo mầm non có chế độ, chính sách và cuộc sống hạnh phúc, tương xứng với sứ mệnh mà xã hội giao cho, đó là chăm lo cho hạnh phúc của trẻ. Chúng ta sẽ phải kiên trì, kiên định, kiên quyết trên con đường chúng ta đã chọn.

PV: Cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với giáo viên cả nước ngày 15/8 vừa qua đã nêu ra nhiều giải pháp cho các vấn đề hiện nay của ngành giáo dục, trong đó có bậc mầm non.

Là người đại diện cho tiếng nói của đội ngũ giáo viên mầm non, ông có kiến nghị hay đề xuất gì để đảm bảo kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non thành công, đồng thời giúp giáo viên yên tâm hơn khi bám trụ với nghề?

Ông Nguyễn Bá Minh: Cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng và giáo viên đã có những sự chia sẻ tôi cho rằng rất tích cực, cả về phía Bộ và đội ngũ giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non. Để những kiến nghị của giáo viên được đáp ứng, giáo viên mầm non yên tâm bám trụ với nghề, theo tôi cần nhất là sự quan tâm, chia sẻ hơn nữa của Chính phủ, các Bộ, ngành và toàn xã hội.

Sự quan tâm này phải thể hiện rõ quan điểm phải đầu tư cho tương xứng với vị trí và vai trò của giáo dục mầm non, một bậc học tạo nền móng cho sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam, và phải tương xứng với quan điểm dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ thơ. Điều này đã được đưa vào Luật Giáo dục.

Chỉ có thế thì những giải pháp Bộ trưởng đề ra thời gian tới mới có thể trở thành hiện thực. Và nếu như Bộ Giáo dục và các ban, ngành chỉ đưa ra đề xuất nhưng cuối cùng nguồn lực vẫn quá hạn chế, quan điểm đầu tư cho giáo dục mầm non chưa được ưu tiên, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục mầm non, e rằng những giải pháp, đề xuất của Bộ và mong muốn của giáo viên mầm non vẫn rất khó trở thành hiện thực.

PV: Xin cảm ơn ông!