Sức khoẻ tinh thần nơi làm việc, không thể xem nhẹ

Trong cuộc sống ngày càng cạnh tranh và áp lực, sức khỏe tinh thần của người lao động trở thành mối quan tâm lớn, bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc của người lao động mà còn tác động lâu dài đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang làm gì để bảo vệ sức khỏe tinh thần của nhân viên – một thứ khó nhìn thấy trực tiếp?

Và làm thế nào để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thân thiện, nơi mà mỗi cá nhân đều cảm thấy được ghi nhận? Về vấn đề này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam.

Ảnh nh họa

PV: Những áp lực chính về tinh thần mà người lao động Việt Nam đang phải đối mặt trong môi trường làm việc hiện nay là gì, thưa bà?

Bà Vũ Thu Hà: Với sự thay đổi công việc, chi phí sinh hoạt cũng tăng trong thời gian vừa rồi, để người ta cân bằng cho cuộc sống cá nhân cũng như là con cái, gia đình là một việc lớn, duy trì được cuộc sống của họ, đặc biệt là yếu tố cạnh tranh nghề nghiệp hiện nay khá là khốc liệt và người lao động phải cố gắng phát triển và đôi khi sự cố gắng đó rất khó cho mọi người, bởi vì họ phải đảm nhận rất nhiều vai trò mà không phải ai cũng có thể cân bằng được giữa những công việc mà mình đang làm, vị trí mình đang đảm nhận với sức khỏe tinh thần của mình, nó tạo ra một mâu thuẫn giữa công việc và cuộc sống.

Và tôi cũng nhận thấy là về vấn đề sức khỏe tinh thần thì không phải là dễ dàng mà người lao động có thể chia sẻ vấn đề của người ta với lãnh đạo của mình, thì đấy cũng là những vấn đề khó khăn cho những nhà lãnh đạo khi mà họ nhận thấy rằng đôi khi họ chia sẻ những vấn đề tinh thần lại là những vấn đề quá nhạy cảm đối với cá nhân, và thường có sự né tránh thì có nghĩa là chúng ta phải từng bước tìm hiểu những vấn đề của người lao động và sau đó chúng ta sẽ có thể thiết kế những chương trình phù hợp hơn.

PV: Các doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang làm gì để hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho nhân viên? Liệu có nhiều DN nhận ra vấn đề về tâm lý và giúp nhân viên giải quyết hay chưa, thưa bà?

Bà Vũ Thu Hà: Với cá nhân tôi thì tôi cho rằng là hiện nay các doanh nghiệp cũng bắt đầu ý thức được về sức khỏe tinh thần. Vì vậy cho nên là họ cũng có thể đã hướng tới sự giúp cho người lao động của họ có sự cân bằng. Một số những hoạt động mà họ chú ý tới là đa số bây giờ những ngày 8/3 hay là ngày nghỉ của cơ quan thì họ hỗ trợ bằng cách mời những chuyên gia về sức khỏe tinh thần đến nói chuyện, có hoạt động mà tôi thấy những người lao động rất thích ví dụ như teambuilding, làm việc nhóm thì thi thoảng có thời gian như vậy cũng là một yếu tố giúp cho họ để họ có thể cân bằng được.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp lớn thì họ có thể có những chính sách để có thể giúp đỡ được thành một hệ thống và nó đạt hiệu quả cao hơn. Người ta còn có cả những phòng tâm lý, chẳng hạn khi giải tỏa có người giúp đỡ họ để mà họ có thể cân bằng lại được cuộc sống và cũng có những nơi họ tạo ra những đường dây nóng để mà người lao động có thể sử dụng các dịch vụ hỗ trợ tâm lý. Nhưng ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì hệ thống hỗ trợ này tôi nghĩ là chưa đạt tới những điều mà chúng ta mong muốn.

Ảnh nh họa

PV: Vậy làm thế nào để nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa doanh nghiệp thân thiện với sức khỏe tinh thần của nhân viên, thưa bà?

Bà Vũ Thu Hà: Trước hết chúng ta phải nhìn nhận ở khía cạnh về lãnh đạo, ở những lãnh đạo mang tính chất độc đoán thì rõ ràng nó tạo ra một sự căng thẳng cho người lao động. Bởi vì người ta chỉ được ghi nhận vào kết quả thôi chứ người ta không có ghi nhận về mặt con người.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng là lãnh đạo chuyên quyền thì cần phải thay đổi, đó là lắng nghe, trước hết là lắng nghe những vấn đề của người lao động và đôi khi những vấn đề đấy là những vấn đề liên quan tới sự căng thẳng, mất cân bằng và sau khi chúng ta lắng nghe rồi thì chúng ta phải có những kế hoạch để xây dựng chính sách phù hợp, nó phải tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Chúng ta cũng phải có quy định về giờ giấc làm việc hợp lý, có những chế độ nghỉ phép một cách linh hoạt, khuyến khích các nhân viên tham gia hoạt động thể thao và giải trí.

Chúng ta có mục tiêu trong công việc thì cũng phải có mục tiêu cân bằng và giải trí cũng như là sự lắng nghe. Nếu như thực sự quan tâm tới sức khỏe tinh thần thì chúng ta phải tăng cường đào tạo nội bộ trong vấn đề về sức khỏe tinh thần, có nghĩa là chúng ta sẽ làm từng bước một, nó là một sự chia sẻ, một sự lắng nghe. Ví dụ chúng ta sẽ tập trung vào việc hỗ trợ những người lao động có kỹ năng giáo dục con cái.

Chẳng hạn, khi con cái của họ có vấn đề, họ sẽ rất tự tin giải quyết vấn đề của họ mà họ không bị căng thẳng, hoặc là chúng ta có thể hỗ trợ nhân viên những khả năng như là nhận biết dấu hiệu của sự lo lắng, mất cân bằng, căng thẳng và trầm cảm và có sự hỗ trợ của các chuyên gia, đường dây kết nối.

Cũng cần có những chương trình đánh giá 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần liên quan đến toàn bộ đối tượng lao động thì tôi nghĩ đấy là cách có thể hỗ trợ được các doanh nghiệp.”

PV: Xin cảm ơn bà.