Sở Xây dựng Hà Nội nói gì về việc chặt hơn 1 nghìn cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng

VOVGT - Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, cây bất khả kháng nằm dưới hạ tầng đường Phạm Văn Đồng, không thể đào được vì vướng công trình ngầm thì mới phải chặt.

Chiều 6/6, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Sở Xây dựng Tp.Hà Nội đã thông tin về việc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, thuộc vành đai 3 (đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long).

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng có hơn 1.000 cây, trong đó 90% là cây xà cừ. Xà cừ ở đường Phạm Văn Đồng có 2 nhóm, một nhóm có đường kính từ 80cm - 1,2m, có tuổi trung bình từ 56 - 60 tuổi.

Tuy nhiên, số này chỉ chiếm 10% xà cừ trên đường, chủ yếu nằm ở cuối đường. Còn lại chủ yếu là các cây trồng từ năm 1985, chiếm khoảng 90% số cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng, số cây xà cừ này có đường kính chưa đến 50cm.

Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội phát biểu tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giao Thành ủy Hà Nội tổ chức

Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, việc mở rộng đường Phạm Văn Đồng vô cùng quan trọng, cấp thiết vì tuyến đường này lượng xe cộ quá lớn, ùn tắc gần như thường xuyên.

Về số lượng cây phải đánh chuyển, ông Dục cho biết, thông tin đánh chuyển hơn 1.000 cây mới chỉ là phương án của đơn vị tư vấn, còn thành phố sẽ cố gắng hết sức giảm được cây nào tốt cây đó.

“Quan điểm của thành phố không phải chặt hạ là hàng đầu, mà sẽ cố gắng đánh chuyển để sử dụng vào mục đích khác. Với công nghệ mới, có các đơn vị đủ kinh nghiệm, tôi tin rằng có thể đánh chuyển được, cây sống được nhiều”, ông Dục nói. 

“Cây nằm dưới hạ tầng, không thể đào được vì vướng công trình ngầm thì mới phải chặt. Khi chặt một cây chúng tôi cùng các chuyên gia phải xem xét rất kỹ càng. Còn chỗ nào đất rộng rãi, không vướng công trình ngầm thì đánh chuyển đi, trồng ở vành đai 3, sau đó tái sử dụng ở công viên và những chỗ phù hợp như cánh đồng,…”, ông Dục cho biết thêm.

Như vậy, theo lãnh đạo Sở Xây dựng, nhóm ưu tiên đánh chuyển là cây tái sử dụng được; cây thân thẳng, tán vẹt là phải dịch chuyển. “Chỉ chặt những cây không đánh được bầu, cong keo, vặt vẹo, xấu xí, còn đâu ưu tiên dịch chuyển. Tôi tin con số cây được đánh chuyển, tái sử dụng là rất nhiều”, ông Dục nhấn mạnh.

Sau khi đánh chuyển các cây này, ông Dục cho biết thành phố sẽ trồng lại hơn 1.400 cây Giáng Hương, hơn với số cây bị đánh chuyển đi, như vậy trên đường Phạm Văn Đồng sẽ có đủ cây tầm trung, cây tầm cao, cây tầm thấp và thảm ở dưới.

Cũng theo ông Dục, thành phố không khuyến khích trồng cây xà cừ trong đô thị vì mạch nước ngầm cao, xà cừ gặp nước là không phát triển xuống dưới nữa mà tỏa ra các bên, dẫn đến dễ đổ.