Sở GTVT Hà Nội: Nỗ lực xóa ùn tắc giao thông

VOVGT - Sở GTVT Hà Nội phấn đấu phối hợp với các đơn vị liên ngành tập trung xóa những điểm gây nhức nhối về ùn tắc giao thông...

Tuyến sông Công đoạn giáp ranh Hà Nội - Thái Nguyên (Ảnh: Báo Giao thông)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Phần tin xa lộ:

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP lập bến bãi trông giữ phương tiện thủy vi phạm pháp luật về khoáng sản, giao thông, môi trường. Hai bãi trông giữ được đề xuất nằm trên sông Hồng đoạn Km 214- 215 thuộc địa bàn huyện Đan Phượng và Mê Linh; trên sông Đuống tại Km 56, thuộc xã Dương Hà, huyện Gia Lâm. Hình thức đầu tư các bến bãi nói trên là từ nguồn vốn xã hội hóa.

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đến thời điểm này, Sở GTVT phối hợp với Công an, Thanh tra giao thông Hà Nội đã chủ động kế hoạch huy động, bố trí chốt trực, trực tiếp tuần tra hàng ngày tại các tuyến đường trọng điểm, nhất là các vị trí cửa ngõ ra vào thủ đô, để kịp thời xử lý các sự cố ùn tắc phát sinh. 

Điểm nóng:

 

“Bản thân đường mình nó nhỏ, đâu có to. Anh nhìn thấy làn đường có mấy mét vuông. Chỉ cần hai, ba xe ô tô rồi chưa kể xe máy nữa đi tắc hết cả đường. Đây là điểm nóng của tắc đường còn gì nữa, đường Khâm Thiên này quá là nóng. Ngày nào cũng như ngày nào, có khi tắc đến nửa tiếng, cứ như thế này thôi. Đoạn Lê Duẩn đường tàu này nếu có CSGT thì còn đỡ, chứ vắng bóng là cứ như thế này thôi. Cái đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ ấy, nó tắc cổ chai bao nhiêu năm rồi mà không giải tỏa, mở rộng được. Bây giờ tắc quá mà không đi được”.

Đấy là một số phản ánh của thính giả Kênh VOV Giao thông lo ngại về tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra ở các “điểm nóng” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vấn đề này càng nghiêm trọng khi mật độ phương tiện cá nhân được dự báo tiếp tục tăng cao trong năm 2018, trong bối cảnh diện tích đất dành cho hạ tầng giao thông vẫn chưa có chuyển biến mang tính đột phá.

Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay, thành phố vẫn tồn tại 37 điểm nóng về ùn tắc giao thông. Nói về nguyên nhân của thực trạng này, bên cạnh ý thức chưa cao của người tham gia giao thông, ông Phạm Đức Toàn - Phó trưởng phòng kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội cũng phân tích:

"Thứ nhất, do nhu cầu giao thông lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh, tỉ lệ sử dụng phương tiện cá nhân cao, còn tốc độ phát triển đô thị hóa thấp khoảng 3,9%/năm đã dẫn đến UTGT. Thứ hai, kết cấu hạ tầng GT đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, kết nối như trong quy hoạch, nhiều công trình trọng điểm vẫn đang đồng loạt xây dựng. Thứ ba, hệ thống vận tải khách công cộng dù đang phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân”.

Đề cập mục tiêu trong năm 2018, ông Phạm Đức Toàn nhấn mạnh, Sở GTVT Hà Nội phấn đấu sẽ xóa được ít nhất 10 điểm gây nhức nhối về ùn tắc giao thông. Giải pháp là phối hợp với các đơn vị liên ngành tập trung có trọng tâm, trọng điểm.

“Sở GTVT đặt ra kế hoạch tập trung hơn vào các tuyến cửa ngõ, vành đai, hướng tâm nơi đang thi công công trình trọng điểm của Thủ đô. Đó là tuyến đường vành đai 1,2,3, các đường Nguyễn Trãi-Trần Phú, Cầu Giấy-Xuân Thủy, Giải Phóng; tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội; đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long; đường Trường Chinh”.

Đối thoại:

 

Cận kề Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao

Trong dịp Tết Nguyên đán đang tới gần, lúc này, việc mua vé tàu, xe về quê ăn Tết đang là ưu tiên của phần lớn công nhân tại các khu công nghiệp. Liên quan vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao qua điện thoại với ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội.

PV: Thưa ông, dịp cận Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đặc biệt là ở các khu công nghiệp. Vậy Sở GTVT đã có kế hoạch bố trí phương tiện phục vụ ra sao?

Ông Nguyễn Tuyển: Dịp cận Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Sở GTVT đã gửi văn bản đến các khu công nghiệp để phối hợp vận chuyển công nhân về quê ăn Tết. Mục đích là để bố trí phương tiện đón công nhân ngay tại các khu công nghiệp, giảm tải cho các bến xe khách. Cụ thể, chúng tôi và khu công nghiệp Bắc Thăng Long, công đoàn ngành giao thông đã bố trí 25 xe ễn phí để đưa công nhân về quê ở các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

PV: Người dân lo ngại vào dịp cận Tết, nạn “chặt chém” giá vé, nhồi nhét, bán khách sẽ tái diễn. Sở GTVT có giải pháp gì để hạn chế hiện tượng vừa nêu?

Ông Nguyễn Tuyển: Để hạn chế tình trạng tăng giá vé, nhồi nhét khách, Sở GTVT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị vận tải, bến xe về việc này, quán triệt đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ thực hiện đúng quy định. Thanh tra GTVT sẽ tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm.

Chúng tôi đã niêm yết số điện thoại đường dây nóng của đồng chí Chánh Thanh tra Trần Đăng Hải 0913506436 và số điện thoại cố định: 02438217922. Những vi phạm này được cho là thường xuyên xảy ra dịp cận Tết. Vì vậy, Sở GTVT đề nghị hành khách vào các bến để xe về quê, không bắt xe dọc đường, đảm bảo quyền lợi cho hành khách.