Sinh viên sư phạm ra trường sẽ không phải đi xin việc

Mới đây, một số kiến nghị với Quốc hội đã xuất hiện liên quan đến việc thực hiện chính sách phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, và không chấp nhận người không có bằng sư phạm đi giảng dạy.

Đã có ý kiến đề nghị thực hiện chính sách phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Có ý kiến đề nghị thực hiện chính sách phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp trên cơ sở đặt hàng của các địa phương.

Bên cạnh đó, đề nghị không tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp đại học ngành khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

Đề xuất này có ưu điểm là khắc phục được tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên cục bộ; đảm bảo đầu ra cho sinh viên ngành sư phạm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đề xuất này thiếu khả thi và khó khăn trong việc thực hiện.

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) - cho rằng, nếu phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp thì chúng ta đang “đi lùi” một bước trong bối cảnh nền kinh tế thị trường. Việc này làm giảm tính cạnh tranh trong môi trường sư phạm. Bởi tâm lý đã vào được các trường sư phạm là... xong, không cần cố gắng học tập, rèn luyện vì suy nghĩ ra trường là có việc làm.

Thầy Nguyễn Quốc Bình bày tỏ: Nếu như chúng ta phân công sinh viên tốt nghiệp sư phạm thì sẽ giảm tính cạnh tranh, sự nỗ lực, cố gắng của các em trong quá trình học tập. Chất lượng giáo dục do đội ngũ quyết định. Không có tính cạnh tranh thì sẽ không thể có đội ngũ giáo viên chất lượng. Chỉ nên ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì chúng ta có thể phân công nhận nhiệm vụ. Chứ những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội thì cần tuân theo Luật viên chức. Tất cả phải qua thi tuyển thì mới đảm bảo chất lượng và tính cạnh tranh.

Còn theo GS. TS. Đinh Quang Báo - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - hãy khoan bàn đến chuyện có nên phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp hay không, mà cần quan tâm đến công tác quy hoạch đầu vào. Bởi nếu chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả các trường trên cả nước phù hợp với nhu cầu thực tế, không đào tạo tràn lan như hiện nay, thì sẽ không lo chuyện sinh viên ra trường thất nghiệp; và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên khi đầu vào bao gồm những sinh viên xuất sắc nhất.

GS.TS. Đinh Quang Báo cho rằng: Ngành giáo dục đào tạo giáo viên thì không đào tạo một cách trôi nổi, mà phải có quy hoạch, cung với cầu phải tương đương với nhau. Nếu đào tạo thiếu thì không có người dạy. Đào tạo thừa, “ế ẩm” sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Đến bây giờ, việc có việc làm ngay cũng không phải là một kích thích lớn, mà phải có chế độ đãi ngộ khi họ làm việc nữa thì mới thu hút được người giỏi vào.

Đề xuất đưa ra nhằm đảm bảo đầu ra cho sinh viên ngành sư phạm

Bên cạnh đó, đề xuất: không chấp nhận người không có bằng sư phạm đi giảng dạy cũng vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia giáo dục. Theo thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), ở nhiều quốc gia phát triển, rất nhiều doanh nhân, nhà khoa học, những người không thuộc lĩnh vực giáo dục đều có thể tham gia hoạt động giảng dạy và đem lại hiệu quả giáo dục cao.

Nếu chúng ta quy định “cứng nhắc” như vậy thì sẽ làm mất đi cơ hội cho các em học sinh, sinh viên tiếp cận với nguồn tri thức lớn trên các lĩnh vực khác nhau. Thầy Nguyễn Quốc Bình phân tích:Có rất nhiều người ở những lĩnh vực khác nhau, có chuyên môn trên một lĩnh vực nào đó, người ta đều có thể tham gia vào hoạt động sư phạm. Miễn là những người đó đảm bảo: phẩm chất đạo đức, năng lực nghề nghiệp. Hoạt động giáo dục không nên chỉ bó hẹp ở trong nhà trường. Vì hoạt động này cần sự tham gia của rất nhiều người: các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở những lĩnh vực khác nhau. Thậm chí, một công nhân lành nghề, hoặc nghệ nhân đều có thể tham gia vào hoạt động giảng dạy được.

Các chuyên gia giáo dục đều chung nhận định, số lượng giáo viên rất lớn nên việc phân công sẽ khó. Trong khi đó, nhiều người giỏi, có năng lực sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh, tự do thi tuyển nếu phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Do vậy, không nên dùng biện pháp phân công công tác để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.

Có thể áp dụng các biện pháp khác như: nâng lương, tăng phụ cấp nghề nghiệp và áp dụng các cơ chế đặc thù để đào tạo giáo viên, bố trí giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Như vậy vừa tránh được việc “ôm đồm” của cơ quan quản lý, vừa góp phần nâng cao chất lượng, thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.