Sen Đồng Tháp vươn mình ra biển lớn

Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng sen lớn nhất khu vực ĐBSCL. Nhiều thập kỷ qua cây sen đã mang lại kinh tế ổn định cho nông dân, với nhiều cách làm sáng tạo để khai thác tối đa các giá trị về kinh tế - văn hóa - nghệ thuật và đưa thương hiệu sen vươn ra biển lớn.

Là 1 trong 5 ngành hàng được lựa chọn thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, Đồng Tháp định hướng phát triển ngành hàng sen theo cách “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”. Nhờ chú trọng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo vùng nguyên liệu ổn định kết hợp khai thác du lịch, thời gian qua cây sen đã giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng ổn định và “đặt chân” được đến thị trường khó tính...

Giữa tiết trời tháng 5, Nam Bộ đón vài cơn mưa đầu mùa cũng là lúc những cánh đồng sen tại Tháp Mười (Đồng Tháp) nở rộ, rợp cả những khoảng trời bao la. Tận dụng thời điểm lý tưởng, nông dân phối hợp với công ty lữ hành khai thác tour du lịch “Trekking đi giữa mùa Sen – Tràm chim”.

Đến đây, du khách sẽ được lựa chọn và thưởng thức trên 200 món ăn chế biến từ sen, tiêu biểu như: sen sấy, trà tim sen, sữa sen, bột đậu nành hạt sen, rượu hồng sen tửu, lá sen non cuốn cá nướng, cơm gạo huyết rồng hấp hạt sen…việc này đã được nông dân thực hiện nhiều năm.

Ông Nguyễn Công Chánh – nông dân trồng sen tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho cho biết tình hình kinh doanh khi bước vào mùa sen: “Bán gương sen, bông sen, lá sen làm các loại nước giải khát từ cây sen… cho địa phương, rồi từ từ mình hướng tới xuất khẩu. Ai cũng đảm bảo uy tín, nông dân đảm bảo uy tín với công ty, công ty giữ mối giúp đỡ nông dân thì nông dân sẽ giữ mối lâu dài với công ty”.

Đồng Tháp trồng nhiều giống sen chuyên biệt để phục vụ cho các nhu cầu khác nhau, như: Hoa trang trí, lấy hạt, lấy ngó, lấy lá, sản phẩm cao cấp, chiết suất từ sen.

Tổng diện tích trồng sen toàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay là 1.838 hecta, giá trị sản xuất ngành hàng sen năm 2023 đạt 1.900 tỷ đồng. Thu nhập từ trồng sen lên tới 45 triệu/hecta/vụ. Hiện Đồng Tháp có hơn 100 sản phẩm được chế biến từ sen, trong đó 56 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên và 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao là Hạt sen sấy.

Để bắt nhịp với xu hướng của thị trường, các doanh nghiệp phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới từ sen như: bún sen, trà olong sen, nước hoa sen, son sen, giấy sen, chỉ tơ sen. Ngoài ra, sen cũng đang mạng lại nguồn cảm hứng để nghệ nhân và doanh nghiệp sáng tạo thành nhiều sản phẩm giá trị kinh tế cao, mang đậm bản sắc tài nguyên bản địa, như: tranh sen, tơ sen, áo dài sen…

Nỗ lực đưa ngành hàng sen ra “biển lớn”, ngày 7/5 vừa qua, Tháp Mười xuất khẩu lô củ sen cấp đông chính ngạch sang thị trường Nhật Bản với số lượng 15 tấn, giá trị đơn hàng gần 1 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2024, sẽ có khoảng 8 container với giá trị đơn hàng gần 7 tỷ đồng sẽ được xuất khẩu cho các đối tác tại Nhật Bản.

Bà Ngô Thanh Thảo – một trong những hộ dân trồng sen ở huyện Tháp Mười có số củ sen được thu mua để xuất khẩu khấp khởi cho biết: “Khí hậu và đất đai ở Tháp Mười phù hợp với giống sen lấy củ. Gia đình tôi và nhiều hộ dân khác rất phấn khởi, khi trên địa bàn huyện có doanh nghiệp tiêu thụ củ sen. Nếu mọi thứ phát triển tốt, thời gian tới sẽ có nhiều hộ nông dân sẽ trồng sen lấy củ, góp phần phát triển kinh tế và đa dạng giống sen tại địa phương”.

Ngoài bán gương sen, bông sen, lá sen... cây sen gần như được tận dụng làm các loại nước giải khát và sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Sen “đặt chân” đến được thị trường khó tính là chứng nh việc Đồng Tháp đã đảm bảo quy trình, kỹ thuật an toàn, chất lượng trong sản xuất sản phẩm từ sen. Ông Nguyễn Xuân Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt (đơn vị thực hiện xuất khẩu lô củ sen) cho biết, nhu cầu từ thị trường đối với sản phẩm củ sen vẫn còn rất lớn.

Cụ thể, thị trường Nhật Bản có nhu cầu tiêu thụ khoảng 90 - 100 ngàn tấn/năm và thị trường Trung Quốc khoảng 2 - 3 triệu tấn củ sen/năm. Ngoài ra, các sản phẩm được chế biến từ hạt sen, như: hạt sen đóng hộp, hạt sen đông lạnh, hạt sen sấy... cũng được xuất khẩu mạnh sang các thị trường Singapore, Đài Loan, Hà Lan.

Việc quan trọng là Đồng Tháp phải mở rộng được vùng nguyên liệu sen bền vững đủ cho xuất khẩu: Sau sự kiện xuất khẩu đơn hàng đi Nhật Bản, vùng nguyên liệu trồng củ sen ở Tháp Mười tại Đồng Tháp và các tỉnh lân cận sẽ ngày càng được mở rộng hơn. Hiện tại vùng ền Tây đang có khoảng hơn 3.000 haecta trồng sen, tuy nhiên trong đó diện tích trồng sen lấy gương là chủ yếu, diện tích trồng sen lấy củ khoảng 200 hecta, con số này hiện tại vẫn hơi ít so với nhu cầu đối tác nước ngoài và thị trường nước ngoài đang cần.

Theo kế hoạch thì đến năm 2025 Đồng Tháp mở rộng diện tích trồng sen lên 1.400 hecta với sản lượng 1.500 tấn. Tuy nhiên, hiện nay diện tích này đã vượt mục tiêu 400 hecta (hiện tại 1.800 hecta) và vượt sản lượng 350 tấn ( hiện tại 1.850 tấn). Đồng Tháp đang tăng cường nghiên cứu ứng dụng giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất đối với các giống sen chuyên biệt, phục vụ cho các nhu cầu khác nhau như: Hoa trang trí, lấy hạt, lấy ngó, lấy lá, sản phẩm cao cấp, chiết suất từ sen. Tỉnh cũng phát triển thêm ít nhất 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh; trong đó có ít nhất 01 sản phẩm chiết xuất từ sen. Các mô hình được trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm cấp mã số vùng.

Củ sen sấy là 1 trong 64 sản phẩm đạt chuẩn OCCOP về sen

Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trước đây có vài loại sen nhưng ta làm rất nhiều thứ nhưng có những loài sen không phù hợp với sản phẩm đầu ra. Tới đây, chúng tôi sẽ làm bộ sưu tập các loại sen và rà soát, đánh giá những vùng nào có thể tích hợp với sen hoặc liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp theo nhu cầu hoặc là hình mẫu sau đó sẽ nhân rộng, phát triển sen.

Hiện, các sản phẩm sen của Đồng Tháp đang tiếp cận được với nhiều thị trường khó tính như: châu Âu, châu Mỹ. Ở thị trường nội địa, các sản phẩm được chế biến từ sen của Đồng Tháp cũng được đón nhận mạnh mẽ ở nhiều phân khúc thị trường khác nhau như nhóm ngành F&B hay các sản phẩm thuần chay. Để khai thác được tối đa những giá trị tiềm năng của cây sen, hiện các doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đang tập trung nhiều giải pháp về đẩy mạnh phát triển chế biến sâu ở lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm phù hợp với xu thế tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu.